Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

CHUYỆN CÂY TRONG VƯỜN BÁC HỒ
Đọc bài viết:
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch trong khoảng thời gian 15 năm cuối cuộc đời mình. Ngôi nhà sàn nho nhỏ của Bác Hồ nằm bên một ao cá xinh xinh và giữa một vườn cây xanh mát. Cây trong vườn Bác Hồ gồm nhiều loài, tạo thành một quần thể thực vật phong phú, làm nên bức nền cảnh quan thiên nhiên giản dị, nên thơ cho nơi Bác Hồ sống và làm việc.

            Sau giờ làm việc, Bác Hồ thường tham gia tăng gia sản xuất, cây trong vườn Bác được trồng gồm rau, cây ăn quả (vú sữa, dừa, nhãn, vải, bưởi, táo, hồng), hoa (nhài, mộc, lan, dâm bụt, phượng vĩ...) cùng một số loại cây khác (cọ dầu, tre, trúc, cây xanh bốn mùa...). Bác Hồ trồng cây không chỉ lấy bóng mát, cho cảnh thêm đẹp, cho không khí trong lành, mà trước hết xuất phát từ lợi ích kinh tế, xã hội, xuất phát từ tình cảm đối với đất nước, từ việc đề cao tính nhân văn... Vườn cây Phủ Chủ tịch, nhiều cây không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, gắn với quê hương, đất nước, gắn với công việc và cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với tình đồng chí, bè bạn, tình hữu nghị giữa các dân tộc.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp vun trồng và chăm sóc nhiều cây trong khu vườn Phủ Chủ tịch, như cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi biếu Người, vườn cam, những cây dừa, vườn hoa nhài, hoa mộc...

            Với số lượng cây lớn, thuộc nhiều loài, nhiều họ, nên vườn cây Bác Hồ có nhiều điều, nhiều chuyện thú vị, hấp dẫn, cảm động xung quanh việc trồng và chăm sóc cây, về sự phát triển cũng như những kỷ niệm gắn bó với cây.

            Cuốn sách “Chuyện cây trong vườn Bác Hồ” kể về một số chuyện trồng và chăm sóc cây trong khu vườn Phủ Chủ tịch gắn với những kỷ niệm về Bác Hồ. Chúng ta có thể hiểu đầy đủ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách và cuộc sống của Bác, người trọn đời “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc.

            Sách do nhóm biên soạn Bùi Kim Hồng (chủ biên), Nguyễn Văn Công, Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Anh Minh - những cán bộ công tác tại Khu di tích Phủ Chủ tịch thực hiện. Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 1998 tại Hà Nội.

            Sách dày 72 trang, khổ 13x19cm.

          Sách hiện có tại Thư viện Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.