Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Giới thiệu về Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
Đọc bài viết:
Toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
Toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

 

Thừa Thiên Huế, mảnh đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước giai đoạn 1895 -1901 và 1906 - 1909. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước của Người, để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Di sản Hồ Chí Minh - Những năm tháng Bác Hồ ở Huế dưới góc độ “vật thể” là hệ thống di tích của Người để lại. Đến nay theo thống kê ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 04 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan (số mới 158); Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ và 05 di tích cấp tỉnh. Về di sản “phi vật thể” có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ.
Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là niềm tự hào và là tài sản vô giá mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào cuộc sống, động viên mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, xây dựng Thừa Thiên Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng an ninh. 

Đặc biệt, ngày 10 tháng 12 năm 2019,  Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh được ban hành, điều đó đòi hỏi toàn thể cán bộ viên chức Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế phải nâng cao trách nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức có đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong làm việc, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quá trình thành lập Bảo tàng:

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế ra đời theo Quyết định số 486/QĐ-TU, ngày 16/9/1980 của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, trên cơ sở Nhà trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 30 tháng 6 năm 1982, Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên chính thức trở thành thành viên của hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương chỉ đạo và hướng dẫn về khoa học, nghiệp vụ.

Từ năm 1989, sau khi tỉnh Bình Trị Thiên tách ra làm ba tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chức năng và nhiệm vụ không thay đổi.

Ngày 19 tháng 5 năm 1998, nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chính thức được khởi công xây dựng lại và khánh thành vào ngày 19 tháng 5 năm 2000. Năm 2007, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được xếp hạng là bảo tàng hạng II theo Quyết định số 2212/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trải qua hơn 40 năm ra hình thành và phát triển đã có một cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Trong thời đại công nghệ 4.0, bảo tàng đã tiến hành đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt là khâu trưng bày được chú trọng đổi mới với giải pháp phù hợp nhằm thu hút khách tham quan. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, đồ họa đã tạo ra những hệ thống trưng bày chuyên đề hấp dẫn, phong phú, thông tin được truyền tải lôi cuốn, tạo sức thu hút công chúng đến với bảo tàng. Trình độ của đội ngũ cán bộ viên chức từng bước được nâng lên, đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học, và chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế