Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Phát huy công tác tuyên truyền hướng dẫn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Đọc bài viết:
Hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế là nơi lưu giữ những di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh vô giá tại Huế, đây cũng là những điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản đặc biệt.

Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên mảnh đất Huế với những năm tháng Người sinh sống, học tập, lao động và hoạt động yêu nước ở Huế. Hiện nay ở Thừa Thiên Huế, ngoài hơn 1.005 tư liệu, hiện vật hình ảnh được trong bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế một cách có hệ thống với 8 chủ đề, để giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì còn có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có 04 di tích được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan (số mới 158), trường Quốc Học - Huế, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ và 05 di tích cấp tỉnh. Về di sản “phi vật thể” có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ. Là niềm tự hào và là tài sản vô giá mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống, động viên mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, xây dựng Thừa Thiên Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng an ninh.

 Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với 40 năm xây dựng và trưởng thành, các chức năng và nhiệm vụ ngày một phát triển qua thời gian, ngày càng đa dạng về loại hình, tính chất, quy mô, hình thức tổ chức. Với Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thì ngay từ đầu, Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên ngày 02/1/1979 đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị cụ thể là: “Để tưởng nhớ công ơn trời biển của Hồ Chủ tịch, để không ngừng học tập sự nghiệp cách mạng vĩ đại và đạo đức cách mạng vô cùng trong sáng của Người, thể theo nguyện vọng tha thiết của đồng bào và chiến sĩ trong tỉnh, Thường vụ Tỉnh uỷ chủ trương xây dựng Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố Huế, trước mắt là tổ chức triển lãm một số hình ảnh về thân thế và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch vào dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc (2/9/1969 - 2/9/1979) và kỷ niệm lần thứ 89 ngày sinh của Người (19/5/1979)”. Và từ đó đến nay, những người làm công tác Bảo tàng Hồ Chí Minh đã ra sức dựng xây Bảo tàng trở thành một địa chỉ đỏ để tuyên truyền về “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh” và quảng bá hình ảnh Hồ Chí Minh đến với quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế.

1. Vị trí, vai trò của người làm công tác tuyên truyền hướng dẫn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Trước hết, phải thấy được vai trò vị trí hết sức quan trọng của người làm công tác tuyên truyền hướng dẫn, thông qua các hiện vật chiếc cầu nối chuyển tải các thông tin từ nội dung trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật đến với khách tham quan nghiên cứu, học tập. Bởi đây là điểm cuối trong hệ thống dây chuyền của sản phẩm văn hoá mà Bảo tàng sáng tạo và sản xuất ra: sáng tạo ra các giá trị văn hoá - bảo tồn, lưu giữ di sản văn hoá - phổ biến và truyền bá giá trị văn hoá. Và công tác tuyên truyền hướng dẫn vẫn là một trong những khâu quan trọng của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

 Người làm công tác hướng dẫn tuyên truyền không đơn thuần chỉ là người đón tiếp khách tham quan thuyết minh nội dung trưng bày mà phải là người nắm bắt từng đối tượng, yêu cầu đến với bảo tàng, để giới thiệu về trưng bày bảo tàng một cách đúng nội dung và đúng mục đích. Vì vậy đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền hướng dẫn rất cao, trước hết phải nắm lịch sử, sự nghiệp về Bác, phải có giọng nói truyền cảm thuyết phục lòng người và phải nói như thế nào để truyền tải được thông tin đến cộng đồng để thu hút sự quan tâm khi đến với bảo tàng. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cũng giống như những bảo tàng khác ngoài những chức năng cơ bản như: lưu giữ, bảo quản, trưng bày….. và đặc biệt là chức năng tuyên truyền hướng dẫn. Như chúng ta đã biết, chức năng tuyên truyền giáo dục thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh có được triển khai và thực hiện tốt hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó không thể không đề cập đến nội dung tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, để khách tham quan hiểu hơn những giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.

Thứ hai, để tăng hiệu quả những giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại với  Thừa Thiên Huế, từ thực tiễn những năm qua, cán bộ làm công tác tuyên truyên hướng dẫn cần thiết phải trau dồi, rèn luyện, bồi dưỡng thêm kiến thức phải luôn nâng cao trình độ phát triển chuyên môn nghiệp vụ, như chúng ta biết yếu tố con người là cực kỳ quan trọng, đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ tốt công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt là khả năng thuyết minh bằng tiếng nước ngoài để có thể giới thiệu các chuyên đề, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với khách trong nước mà còn đối với khách nước ngoài, nhất là trong thời kỳ hội nhập kỷ nguyên 4.0.

Theo xu thế bảo tàng hiện đại người hướng dẫn không cần nói nhiều như một giáo viên giảng bài, mà chỉ nói những ý cần thiết, truyền tải nội dung hiện vật, và đặc biệt biểu lộ được tình cảm nội dung mà tài liệu giới thiệu phù hợp với từng đối tượng, nội dung mà khách cần tìm hiểu và luôn tạo cho khách tham quan có một thời gian để tự quan sát và cảm nhận.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ tuyên truyền hướng dẫn chuyên nghiệp về Hồ Chí Minh là những công việc cần kíp, để đáp ứng nhu cầu các trường học hay các đơn vị trên địa bàn, vì thế cơ quan cần đề nghị với Sở Văn hoá và Thể thao cũng như lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho cán bộ bảo tàng được tham dự các lớp bồi dưỡng báo cáo viên do tỉnh và các trung tâm chính trị tổ chức. Cần có những cán bộ tâm huyết, có ý thức nghề nghiệp sâu sắc, không ngừng trao đổi chuyên môn. Đặc biệt là đào tạo báo cáo viên về tư tưởng thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi đây là nội dung mang tính chính trị và tư tưởng cao trong giai đoạn phát triển ngày nay. Củng cố, đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống của mọi tầng lớp nhân dân (nhất là thế hệ trẻ). Qua mỗi lần tham quan, góp phần làm cho thế hệ hôm nay càng hiểu biết nhiều hơn truyền thống văn hóa - lịch sử của địa phương, về tuổi thơ của Bác Hồ đã một thời gắn bó. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tôn trọng, giữ gìn quá khứ. Không ngừng lồng ghép những bài học, những mẩu chuyện thực tế, những câu chuyện sinh động để tuyên truyền một cách sâu rộng về các giá trị tư tưởng, nhân văn, đạo đức, lối sống cách mạng trong nhân dân. Tạo điều kiện cho mỗi người dân gắn bó nhau hơn và cống hiến nhiều hơn vì lý tưởng cách mạng cao cả mà Bác Hồ đã truyền dạy.

2. Vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của người làm công tác tuyên truyền hướng dẫn để thu hút khách đến Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

Trong giai đoạn mới này, công chúng không còn hoàn toàn “thụ động” nữa. Họ muốn được trải nghiệm, được giao tiếp, được đối thoại... Nhu cầu đó đòi hỏi các cán bộ làm công tác giáo dục ở bảo tàng phải đổi mới phương pháp tiếp cận, phải năng động hơn, tìm tòi và tổ chức nhiều hoạt động hơn để thu hút họ. Với xu hướng nhận thức mới, khái niệm “tuyên truyền” dần được thay thế bằng khái niệm “giáo dục”, tức là thay đổi phương pháp tiếp cận để bảo tàng có thể có nhiều hoạt động tuyên truyền hướng dẫn đa dạng và chất lượng cao hơn nhằm thu hút khách đến với mình và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế và hệ thống di tích lưu niệm Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế cò những thuận lợi rất lớn là việc phân bố, tọa lạc trên các địa bàn dân cư đông đúc, có nhiều cơ quan, trường học. Nhưng năm trở lại đây, các dịp lễ lớn như  3/2 (thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), 26/3 (Giải phóng Thừa Thiên Huế), 19/5 ( Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), 2/9 (Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam)… ngoài các đoàn lãnh đạo Tỉnh dâng hoa thì các đơn vị trên địa bàn đến rất đông, xem như đó là một hoạt động thường niên. Và quan trọng nhất là các trường đại học trên địa bàn đã đưa sinh viên đến Bảo tàng và di tích nhiều hơn và cơ cấu vào chương trình giảng dạy như một tiết học, có tác dụng tích cực trong công tác tuyên truyền hướng dẫn đối với đối tượng sinh viên. Còn đối với các trường THCS, THPT, tiểu học, mầm non trên địa thì được xem như là những buổi sinh hoạt ngoại khóa định kỳ. Thống kê số lượng khách đến với Bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 5 năm qua đã đón tiếp được 519.504 lượt khách tham quan, trong đó khách Việt Nam là 480.417 lượt người, khách nước ngoài là 39.087  lượt người. Trong đó 2.754 đoàn đến dâng hoa, báo công; 345 đoàn đến kết nạp Đoàn, Đội, phát thưởng và cấp giấy chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ; 642 đoàn đến sinh hoạt ngoại khóa, xem phim tư liệu về Chủ Hồ Chí Minh; 287 đoàn tại Bảo tàng và các di tích. Lượng khách tham quan đến với Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Bác Hồ năm sau cao hơn năm trước.

Những địa điểm di tích lưu niệm thời niên thiếu Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế ngày hôm nay là địa chỉ đỏ quan trọng để có thể tuyên truyền đến với đông đảo quần chúng nhân dân, khách tham quan. Là nơi có thể giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh động và có sức thuyết phục nhất. Nhưng nhìn chung, các hoạt động trên diễn ra chưa thường xuyên, thiếu sự chủ động và quan tâm phối hợp giữa các tổ chức, địa phương, trường học với cơ quan chuyên môn. Hình thức tổ chức nhiều khi còn nặng về phong trào, chưa thật sự chú ý đến hiệu quả, chiều sâu của việc thông tin các giá trị lịch sử của di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với mọi người để giáo dục truyền thống một cách thiết thực.

Thực tế cho thấy, lượng khách đến tham quan bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa nhiều. Bảo tàng vẫn chưa trở thành điểm đến, điểm dừng chân quen thuộc của khách tham quan và chưa đóng vai trò là địa chỉ quan trọng trong hoạt động đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo cộng đồng quần chúng nhân dân. Và thành phố Huế - là một thành phố Festival - thành phố với một quần thể di sản văn hóa dày đặc, khi khách tham quan đến Huế thì quỹ thời gian dành cho Bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất ít.

3. Đôi điều suy nghĩ và giải pháp về công tác tuyên truyền hướng dẫn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Xuất phát từ những thực trạng còn tồn tại, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền hướng dẫn đến với khách tham quan, trong những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã mở ra một hướng hoạt động mới: Tăng cường tổ chức liên kết, kết nghĩa với nhiều đơn vị, tổ chức xã hội, nhà trường, mở rộng giao lưu, thu hút nhiều đối tượng khách tham quan thường xuyên đến và gắn bó với di tích bằng nhiều loại hình sinh hoạt bổ ích, tạo thành mối quan hệ tình cảm sâu đậm. Như tuyên truyền hướng dẫn lưu động về với nhiều trường học trên địa bàn thành phố và các huyện, xã. Hình thức hoạt động tìm hiểu khám phá ở các di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo nên một sân chơi rất thiết thực, việc sử dụng các di tích để làm nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống trở thành một hoạt động bổ ích, tránh cho di tích không bị ngủ quên, làm cho di tích tự nó thổi hồn vào cuộc sống của nhân dân bằng giá trị lịch sử chính nó.

Gắn kết một cách chặt chẽ với các hoạt động của địa phương, nhà trường nơi có bảo tàng và di tích đóng. Góp phần bổ ích trong việc giảng dạy, học tập lịch sử địa phương, học tập tư tưởng, đạo đức, lối sống của Bác Hồ một cách trực quan, sinh động..., tăng thêm niềm tự hào về mảnh đất quê hương mình cho  thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Phải làm thường xuyên, nhiều hình thức hoạt động khác nhau để mọi nhân dân hiểu sâu sắc hơn về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy giản dị nhưng vô cùng vĩ đại.

Mở rộng các nội dung, sinh hoạt chuyên đề về tuyên truyền hướng dẫn, giới thiệu di tích bằng cách tổ chức xây dựng các chuyên đề phù hợp để phục vụ theo yêu cầu của nhiều đối tượng thông qua một số hình thức khác nhau: Tổ chức trao đổi các thông tin lịch sử, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng, giải đáp một số sự kiện lịch sử dân tộc, địa phương có liên quan đến di tích… để giúp cho mọi đối tượng hiểu biết một cách đầy đủ nhất.

 Phía Bảo tàng chủ động phối hợp, giao lưu với các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi hoạt động của các tổ chức, trường học được diễn ra tại di tích..., nhằm thu hút lượng du khách đến với di tích ngày càng đông như các tổ chức phát động các phong trào, chiến dịch tại di tích, gắn di tích với các hoạt động phong trào, đoàn thể, sinh hoạt ngoại khóa hay thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Người làm công tác Tuyên truyền hướng dẫn là cầu nối, là sự kết hợp chặt chẽ giữa Bảo tàng với trường học và các tổ chức, để cho học sinh và khách tham quan cảm nhận ngay tại di tích những điều bổ ích sinh động và nâng cao lòng tự hào của đồng đảo quần chúng nhân dân về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức liên kết ở Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh  còn nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người, mở ra nhiều hướng mới, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác nghiên cứu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương.

4. Kết luận

Tiếp nối 40 năm xây dựng và trưởng thành của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, đội ngũ viên chức tuyên truyền hướng dẫn ngày hôm nay đã được thừa hưởng và tiếp nhận của các thế hệ cha anh đi trước và bằng sức trẻ, sự sáng tạo, lòng yêu nghề, tinh thần đoàn kết để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày một lớn mạnh, góp phần trong sự nghiệp tuyên truyền về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

ThS. Nguyễn Thị Loan Giang
HTKH "40 năm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Dấu ấn những chặng đường - 2020