Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Hoạt động thu hút khách tham quan ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.
Đọc bài viết:
Thừa Thiên Huế tự hào là nơi được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người sinh sống, học tập và lao động trong khoảng 10 năm của tuổi thiếu niên (1895 – 1901), và tuổi trưởng thành (1906 – 1909), Thừa Thiên Huế cũng là nơi chị gái Nguyễn Thị Thanh và anh trai Nguyễn Tất Đạt của Người sống, lao động và tham gia các hoạt động yêu nước trong khoảng 20 năm (1920 – 1940) khi bị thực dân Pháp quản thúc ở Huế.

Chính vì vậy, bên cạnh Nghệ An – quê hương của Người, và Hà Nội – nơi Người làm Chủ tịch nước, lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thì Thừa Thiên Huế là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh nhà bảo tàng, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn quản lý hệ thống di tích lưu niệm về Người và gia đình gồm 4 di tích quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế trong thời kỳ toàn cầu hóa về kinh tế và hội nhập về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Thừa Thiên Huế) đã chú trọng các hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với công chúng và khách tham quan trong nước và quốc tế. 

I. Công tác thu hút khách tham quan

Làm thế nào để thu hút khách tham quan đến với bảo tàng là vấn đề mà nhiều năm nay các bảo tàng đang đi tìm câu trả lời. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ. Nằm trên vùng đất là trung tâm văn hóa và du lịch của cả nước, bên cạnh hai di sản văn hóa thế giới (vật thể và phi vật thể), Huế còn có tiềm năng du lịch khám phá với hệ đầm phá, đường Hồ Chí Minh, làng cổ Phước Tích. Vì vậy, để thu hút khách đến với Bảo tàng và di tích lưu niệm về Người, những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực trong các hoạt động, nhằm thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

1. Tổ chức các hoạt động tại Bảo tàng

- Công tác triển lãm

Bên cạnh trưng bày cố định tại tầng 2 nhà bảo tàng gồm 8 chủ đề đã được Bộ Chính trị phê duyệt với nội dung giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân cả nước, quân và dân Thừa Thiên Huế trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và những thành tựu trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức các triển lãm chuyên đề tại tầng I mà nội dung thường gắn với những sự kiện chính trị của đất nước và của Tỉnh.

Để có được những bộ triển lãm có nội dung sâu sắc, sát với yêu cầu và đảm bảo tính khoa học, cán bộ và nhân viên Bảo tàng đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi từ việc sưu tầm, xây dựng đề cương đến việc tìm  giải pháp trưng bày sao cho vừa đảm bảo tính mỹ thuật, trang trọng và tinh tế. Các bộ triển lãm chuyên đề được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm công phu trong nhiều tháng, có bộ triển lãm được nghiên cứu xây dựng đề cương trong nhiều năm, do vậy mang tính tiêu biểu về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật.

Bên cạnh các bộ triển lãm do Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng với nội dung tuyên truyền thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng còn phối hợp với các đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức nhiều triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị và các hoạt động đối ngoại, nhằm làm phong phú hoạt động của bảo tàng và thu hút đông đảo khách đến tham quan.

- Tổ chức các hội thảo khoa học

Việc tổ chức các hội thảo khoa học cũng được đơn vị quan tâm, bởi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bảo tàng. Hội thảo khoa học không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề của công tác Bảo tàng đặt ra mà còn là một hình thức tuyên truyền các hoạt động của Bảo tàng. Những năm qua, bên cạnh tổ chức và tham gia các hội thảo trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn thường xuyên phối hợp với khoa Lý luận – Chính trị và khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học, trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức các hội thảo khoa học với nội dung thiết thực và hiệu quả. Các bài tham gia hội thảo là những bài nghiên cứu công phu, giải quyết đúng những vấn đề mà hội thảo đặt ra.

- Tổ chức các sự kiện:

+ Là bảo tàng danh nhân, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế và hệ thống di tích lưu niệm về Người ở Thừa Thiên Huế cũng là nơi thường xuyên tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, lễ báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lãnh đạo Tỉnh, Thành phố, các huyện và các ban, ngành, các trường học. Là nơi tổ chức lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội cho các đơn vị và trường học trên địa bàn Tỉnh. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần tích cực tuyên truyền tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giáo dục lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

+ Tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ cũng là hình thức thu hút khách đến với Bảo tàng. Đây là hoạt động luôn được Bảo tàng quan tâm thực hiện. Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; kỷ niệm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và những ngày lễ khác trong năm, đơn vị phối hợp với các đơn vị kết nghĩa, các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ tại Bảo tàng hoặc di tích với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước. Các chương trình biểu diễn văn nghệ thu hút đông đảo khán giả đến xem, cũng chính là một hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh Bảo tàng đến với công chúng, từ đó công chúng đến với Bảo tàng ngày một nhiều hơn.

2. Đưa Bảo tàng đến với công chúng

Nắm vững các chức năng xã hội của bảo tàng là: Nghiên cứu khoa học, giáo dục khoa học, bảo tồn di sản văn hóa, tài liệu hóa khoa học, thông tin, giải trí và hưởng thụ văn hóa, trong đó nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học là hai chức năng cơ bản. Với sự thay đổi nhận thức: từ việc lấy hiện vật làm trung tâm chuyển sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế ngày càng coi trọng chức năng giáo dục của bảo tàng, coi đây là một chiến lược hoạt động nhằm đa dạng hóa hoạt động của Bảo tàng để đưa di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với công chúng. Ngày nay việc hoạt động truyền bá tri thức (giáo dục) không chỉ đơn thuần một chiều là khách tham quan (người được giáo dục) nghe cán bộ bảo tàng giới thiệu mà là có sự trao đổi giữa người nghe và người giới thiệu (cán bộ thuyết minh của bảo tàng). Vì vậy, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu để tìm ra những giải pháp và hình thức tuyên truyền mới phù hợp với nhu cầu của khách tham quan.

Không chỉ đón tiếp khách tham quan tại bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn tích cực thực hiện những hoạt động nhằm đưa Bảo tàng đến với công chúng: Tổ chức những cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sinh viên khoa lịch sử của các trường đại học, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Huế với hình thức sân khấu hóa “đố vui để học”;  Đi nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đơn vị; Tổ chức các cuộc thi nhằm tuyên truyền thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân. Đó là tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm qua Bảo tàng đã phối hợp với các trường trung học phổ thông trong thành phố tổ chức thi viết tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thi viết tìm hiểu các tác phẩm “Nhật ký trong tù” và “Di chúc” của Người. Năm 2009, Bảo tàng đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi viết “Sáng mãi tên Người”. Cuộc thi đã thu hút đông đảo Đoàn viên thanh niên ở mọi lĩnh vực công tác tham gia.

Bên cạnh các cuộc thi viết, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn phối hợp với Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Huế tổ chức cho thiếu nhi thi vẽ tranh về đề tài “Bác Hồ với Thiếu niên Nhi đồng”; phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi sáng tác Ảnh Thời sự - Nghệ thuật chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thừa Thiên Huế”. Sau khi tổng kết trao giải, các phẩm xuất sắc được chọn triển lãm giới thiệu đến đông đảo công chúng. 

 Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu học mà chơi, chơi mà học của học sinh khối tiểu học và trung học cơ sở, bên cạnh việc tổ chức triển lãm lưu động, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền lưu động đến các trường học trong tỉnh và các khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Nội dung tuyên truyền là những bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và phim tài liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xây dựng, nội dung giới thiệu quãng thời gian 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sống, lao động và tham gia các hoạt động yêu nước ở Huế.

Việc tuyên truyền được lồng ghép xen kẽ giữa chiếu phim với tổ chức trò chơi tìm hiểu về các địa danh lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp các em có cơ hội tiếp nhận kiến thức mới, củng cố, bổ sung những kiến thức đã được tích lũy. Các em được giáo dục và rèn luyện về tư tưởng, đạo đức cũng như nâng cao năng lực thẩm mỹ. Vì vậy, hình thức tuyên truyền với phương châm “học mà chơi, chơi mà học” đã thu hút được sự tham gia sôi nổi của học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và sự ủng hộ của Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động này, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tích cực góp phần vào việc thực hiện chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ Giáo dục.

Một thực tế cho thấy là không phải công chúng nào cũng đến được với nhà trưng bày của Bảo tàng, nhằm giúp công chúng nhất là ở các địa bàn xa thành phố không có điều kiện đến tham quan tại bảo tàng, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu xây dựng các bộ triển lãm chuyên đề phù hợp, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở vùng núi cao và ven biển của tỉnh trong những dịp lễ hội hoặc ngày kỷ niệm của đất nước. Điều đặc biệt là bên cạnh nội dung chính, các bộ triển lãm được cập nhật, bổ sung những hoạt động của các địa phương, đơn vị trong việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về xây dựng chỉnh đốn Đảng, đưa những hoạt động của địa phương, đơn vị vào nội dung triển lãm không những chỉ làm phong phú nội dung triển lãm mà còn kịp thời phản ánh những bước phát triển của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, góp phần động viên khích lệ cán bộ, nhân dân và chiến sĩ trong sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Các triển lãm lưu động cũng góp phần làm phong phú thêm hoạt động của các địa phương, đơn vị trong ngày lễ hội.

3. Quảng bá hình ảnh của Bảo tàng

Để hình ảnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như các hoạt động của Bảo tàng đến được với đông đảo công chúng, Bảo tàng đã tích cực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh trên các kênh truyền thông: Đưa tin trên truyền hình, xây dựng website; tuyên truyền trên Facebook, trên báo viết; xuất bản các ấn phẩm, các tờ gấp giới thiệu Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, những năm qua số lượng khách đến với Bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chủ yếu là sinh viên, học sinh đến học tập, nghiên cứu. Khách du lịch đến với Bảo tàng chưa nhiều như mong muốn, chủ yếu là khách đi tham quan tự do, các đoàn khách đi theo chương trình du lịch còn rất hạn chế. Vì vậy việc tìm ra giải pháp khắc phục là rất cần thiết.

II. Những tồn tại và kiến nghị

 Trong cuốn “Cơ sở bảo tàng” do Bảo tàng cách mạng Việt Nam dịch từ nguyên bản tiếng Anh xuất bản năm 2000 nêu rõ: “Các bảo tàng là để dành cho con người, và do đó, tương lai của bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường chỉ rõ”. Vì vậy, dù đã có rất nhiều nỗ lực và sáng tạo trong các hoạt động nhằm thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan và học tập tại bảo tàng, nhưng trước sự phát triển nhanh của nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của khách tham quan, học tập và nghiên cứu, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các hoạt động, theo ý kiến chủ quan, tôi xin nêu một số kiến nghị sau:

1. Đổi mới hệ thống trưng bày. Chúng ta biết rằng bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần cho sự phát triển xã hội. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế - một thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế, được xây mới và khánh thành từ năm 2000, năm 2007 đã được chỉnh lý nhằm đảm bảo yêu cầu nội dung và mỹ thuật phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên do thời tiết ở Huế khắc nghiệt, chỉ có hai mùa mưa nắng nên hệ thống đai trưng bày bị hoen rỉ, một số ảnh và tài liệu trưng bày bị ố vàng, hoặc chỉ là tài liệu photo từ các ấn phẩm nên không đảm bảo về mỹ thuật cũng như tính khoa học, vì vậy cần phải được chỉnh lý nâng cấp. Mặt khác cũng cần bổ sung một số tổ hợp hiện vật nhấn mạnh nội dung lịch sử diễn ra tại Thừa Thiên Huế nhằm làm phong phú nội dung cũng như hình thức trưng bày, tạo sự mới lạ, hấp dẫn đối với khách tham quan. Do vậy tiếp tục chỉnh lý hệ thống trưng bày tại Bảo tàng, sử dụng chất liệu phù hợp để làm mới các tài liệu, ảnh tư liệu cũng như bổ sung hiện vật tại Bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết. Một vấn đề nữa cần được lưu ý khi thực hiện chỉnh lý là sử dụng những nét đặc trưng của kiến trúc Huế để trang trí trong một số tổ hợp trưng bày, nhằm nhấn mạnh nội dung trưng bày, đây cũng chính là điểm khác biệt về giải pháp mỹ thuật giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với các bảo tàng trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh và di tích lưu niệm về Người trên toàn quốc.

2. Do nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng ngày càng cao, từ chỗ là người thụ động tiếp thu những thông tin do bảo tàng cung cấp, chuyển sang xu hướng hoàn toàn mới là tự mình khám phá và khai thác các hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Hiện nay ở Việt Nam một số bảo tàng đã xây dựng phóng khám phá, vì vậy Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng cần xây dựng phòng khám phá để có thể trưng bày theo một chuyên đề, giúp cho khách tham quan được trải nghiệm, đi sâu tìm hiều nội dung lịch sử, từ đó nâng cao hiểu biết cho khách. Việc thực hiện trưng bày kho mở cũng là việc làm cần thiết. Hiện nay kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế lưu giữ khoảng 15.000 tư liệu, hiện vật, có thể hình thành 7 sưu tập chuyên đề, như vậy việc tổ chức trưng bày kho mở là trong tầm tay. Nếu phòng khám phá và trưng bày kho mở được thực hiện, chắc chắn sẽ làm phong phú hình thức và nội dung trưng bày của Bảo tàng, do vậy Bảo tàng cũng phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho khách tham quan trong nước và quốc tế cũng như học sinh sinh viên đến học tập và nghiên cứu.

3. Các hoạt động đưa bảo tàng đến với công chúng cần phải được thường xuyên đổi mới. Do nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, bên cạnh nội dung phục vụ  sự kiện chính trị, văn hóa của từng thời điểm, và gắn với hoạt động của địa phương, việc triển lãm lưu động cũng nên đầu tư về cơ sở vật chất như: làm mới các pano trưng bày sao cho vừa gọn nhẹ nhưng phải đảm bảo yêu cầu mỹ thuật phù hợp với sự phát triển trong hưởng thụ văn hóa của khách tham quan. Công tác tuyên truyền lưu động cũng nên tiếp tục được bổ sung những chủ đề mới để có thể mở rộng đối tượng phục vụ là sinh viên và nhân dân, cán bộ, bộ đội chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi học sinh khối phổ thông.

4. Tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của cán bộ thuyết minh. Cán bộ thuyết minh tại bảo tàng và di tích cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để phục vụ tốt đối tượng khách là người nước ngoài, bởi vì các hướng dẫn viên du lịch sẽ rất lúng túng khi đưa khách đến bảo tàng do họ không nắm được nội dung trưng bày tại bảo tàng và nội dung lịch sử của các di tích. Thông thạo về ngoại ngữ, cán bộ thuyết minh sẽ chủ động trong công tác hướng dẫn khi có khách nước ngoài đến tham quan. Mặt khác cán bộ thuyết minh cũng cần phải đi sâu nghiên cứu hơn nữa để có thể hướng dẫn cho mọi đối tượng khách dù là khách tham quan, học tập hay nghiên cứu, và có thể trao đổi thêm với khách sau buổi thuyết minh, nếu khách có yêu cầu.

5. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lữ hành và du lịch. Bảo tàng cần phải chủ động hợp tác với các đơn vị du lịch và các đơn vị lữ hành để đưa điểm tham quan Bảo tàng Hồ chí Minh và các điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chương trình tham quan tại Huế. Để thực hiện được việc này, Bảo tàng cần phải cung cấp tờ gấp giới thiệu bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các đơn vị lữ hành và các khách sạn để quảng bá, giúp khách du lịch nắm được thông tin để lựa chọn và xây dựng chương trình tham quan. Mặt khác Bảo tàng nên cung cấp nội dung trưng bày tại Bảo tàng và nội dung lịch sử của di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các hướng dẫn viên du lịch để họ nắm được nội dung và chủ động trong việc thuyết minh cho khách tham quan. Khi nắm vững được nội dung để thuyết minh, chắc chắn các hướng dẫn viên sẽ nhiệt tình đưa khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh và di tích lưu niệm về Người.

 

Lê Thị Thanh Hương
HTKH "Phát huy giá trị Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch tại hệ thống bảo tàng và Di tích lưu niệm CTHCM trong cả nước" . 12/3/2014