Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Bảo tàng Hồ Chí Minh trong việc góp phần giáo dục đạo đức cách mạng và tư tưởng Hồ Chí Minh cho học sinh - sinh viên
Đọc bài viết:
Như chúng ta đã biết, các môn lý luận chính trị được giảng dạy trong nhà trường đại học, cao đẳng, đó là những môn học quan trọng, khoa học để trang bị thế giới quan và phương pháp luận cũng như bồi dưỡng những phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và xây dựng nên lý tưởng và niềm tin cách mạng cho người học. Tuy nhiên do tính chất đặc thù của môn học là hơi khô khan và khó hiểu mà nhiều lúc tạo cho sinh viên cảm thấy ái ngại. Cảm giác đó sẽ càng tăng lên nếu người giảng viên chỉ truyền thụ một chiều về lí thuyết, chỉ nói bằng lời mà không có những minh họa bằng ảnh, phim ảnh, không có những nhân chứng, vật chứng và những phương tiện âm thanh, nhạc, họa…

Là một người có quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị hơn một phần tư thế kỷ, và tôi cũng có nhiều năm tham gia giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh cho nhiều thế hệ học sinh và sinh viên ở Thừa Thiên Huế và một số tỉnh thành khác, tôi rất đồng tình và tâm đắc với câu nói của PGS.TS. Nguyễn Thám tại Hội thảo khoa học Đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị ở trường đại học, cao đẳng theo định hướng phát triển năng lực, rằng: “Giảng dạy và học tập các môn chính trị nếu chỉ đóng khung trong bốn bức tường là không có hiệu quả, không có sức thuyết phục!”. Ý thức sâu sắc được điều này, trong khả năng có thể cho phép những người giảng dạy như chúng tôi vừa nỗ lực truyền thụ trên giảng đường để cho học sinh, sinh viên tiếp thu được một hệ thống kiến thức khoa học và cách mạng của các môn học lý luận chính trị, sau đó thầy và trò sẽ cùng nhau đi đến những địa danh, những di tích lịch sử, những bảo tàng để tiếp tục hành trình nhận thức của mình.

 Một trong những nơi có ý nghĩa đặc biệt đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh, cùng với địa danh làng Dương Nỗ và 112 Mai Thúc Loan. Khi bước chân đến Bảo tàng, điều ấn tượng đầu tiên đó là phong cách và thái độ phục vụ của các cán bộ và nhân viên trong giờ làm việc, ai cũng niềm nở, nhiệt tình, chu đáo từ khâu đón tiếp cho đến khâu thuyết minh xứng đáng là những con cháu Bác Hồ. Họ đã, đang sống và làm việc theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấn tượng sâu sắc thứ hai là ở đây có hệ thống những hình ảnh, kỷ vật được trưng bày một cách khoa học với những lời thuyết minh đầy tâm huyết, xúc cảm được các cán bộ truyền đạt đã làm sống dậy truyền thống yêu nước hào hùng của đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người. Cứ như vậy, những chuyến tham quan – học hỏi và giảng dạy cứ cuốn hút người nghe và người xem từ hình ảnh đầu tiên cho đến hình ảnh được trưng bày cuối cùng về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà đặc biệt là khoảng thời gian mười năm Người sống cùng gia đình ở Huế. Từ giã căn phòng trưng bày mọi người sẽ được đến căn phòng dùng để chiếu phim. Tại đây, những bộ phim đặc sắc như “Hồ Chí Minh Chân dung một con người”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Hồ Chí Minh những giây phút cuối đời” và nhiều bộ phim tư liệu khác đã được trình chiếu phục vụ khách tham quan Bảo tàng. Sau khi ra về có nhiều sinh viên đã bày tỏ cảm xúc, trong đó có một sinh viên đã nói với tôi rằng: “Cô ơi! Trong những giờ giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh của cô trên giảng đường có những lúc cô đã làm cho các em rơm rớm nước mắt về tư tưởng và sự nghiệp của Bác Hồ. Nhưng phải đến khi tham quan Bảo tàng nhất là khi xem những đoạn phim về Bác mới làm cho chúng em xúc động bật thành tiếng khóc. Em sẽ nhớ mãi những tiết học ở Bảo tàng Hồ Chí Minh”. Cùng lúc đó tôi cũng nói lại với các em sinh viên của mình rằng: “Cô cũng đã đến Bảo tàng này nhiều lần nhưng lần nào cô cũng đều thấy hứng thú và đầy hấp dẫn”.

 Như vậy, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là một địa chỉ đỏ, có sứ mệnh thiêng liêng là vừa lưu giữ, lại vừa có giá trị tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho toàn xã hội trong đó có học sinh, sinh viên. Những người giảng dạy lý luận như chúng tôi thấy rõ Bảo tàng Hồ Chí Minh là một phần không thể thiếu trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên.

Ths. Lê Thị Kim Phương - Nguyên Giảng viên khoa LLCT - Đại học Khoa học Huế