Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Đọc bài viết:
Trong những năm gần đây, cùng với việc không ngừng đổi mới hình thức trưng bày để phù hợp với xu thế hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện đã thu hút được một lượng khách đáng kể đến với các hoạt động của bảo tàng; đồng thời, mạng lại hiệu quả thiết thực trong công tác phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đến với mọi tậng lớp nhân dân, đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là một hướng đi mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cần được phát huy và mở rộng.

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nằm ở vị trí đẹp, thuận lợi cùng với nội dung và giải pháp trưng bày phong phú và hấp dẫn; sự đón tiếp, phục vụ, hướng dẫn khách tham quan chu đáo, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm, đơn vị thực hiện tốt công tác đón tiếp khách đến tham quan, dâng hoa, báo công, kết nạp (Đảng, Đoàn, Đội), xem phim tự liêu… tại bảo tàng, di tích cũng như các đợt triển lãm chuyên để. Từ đó đã không ngừng nâng cao số lượng khách đến với bảo tàng và hệ thống di tích. Theo số liệu thống kê, số lượng khách năm 2015 gần 91 ngàn lượt người, năm 2016 hơn 94 ngàn lượt người, năm 2017 hơn 102 ngàn lượt người và trong sáu tháng đầu năm 2018 là gần 68 ngàn lượt người[1].

Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục thông qua hệ thống nhà trưng bày và hệ thống di tích lưu niệm, trong những năm gần đây Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã không ngừng đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về thân thế sự nhiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: tổ chức hoạt động tuyên truyền lưu động; tổ chức hoạt động tìm hiểu, khám phá tại di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa… cho các em học sinh, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giới thiệu về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa mà Người để lại cho Thừa Thiên Huế.

Trong những năm qua (2013 - 2018), Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, trường học tổ chức được: 39 cuộc tuyên truyên lưu động về các trường học, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó có 36 cuộc cho đối tượng học sinh, 02 cuộc cho đối tượng đoàn viên thanh niên và 01 cuộc cho đối tượng là cán bộ hưu trí, nhân dân tổ dân phố (bình quân mỗi năm đơn vị tổ chức được 3-5 đợt tuyên truyền lưu động); 06 hoạt động sinh hoạt ngoại khóa tại bảo tàng và 05 hoạt động tìm hiểu, khám phá tại di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các hoạt động đã thu hút được một lượng lớn các đối tượng tham gia, khoảng gần 20 ngàn lượt người.

1.1. Hoạt động tuyên truyền lưu động

Trong thời gian qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tích cực tuyên truyền giới thiệu về thân thế, sự nghiệp cũng như tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh nhà. Tuy nhiên, lượng khách đến với bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận. Thực tế đó đã để lại cho những người làm công tác chuyên môn của bảo tàng không ít những băn khoăn, suy nghĩ là làm thế nào để đưa thân thế, sự nghiệp cách mạng cao cả, tấm gương đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những năm tháng niên thiếu Người cùng gia đình sống, lao động, học tập ở Thừa Thiên Huế đến được với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, vì không phải ai cũng có điều kiện đến với bảo tàng và di tích. Từ những băn khoăn, trăn trở đó cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn xây dựng một hình thức tuyên truyền mới - tuyên truyền lưu động.

Nội dung của hoạt động tuyên truyền lưu động gồm có 3 phần chính: Thuyết minh phim “Theo chân Bác”; Thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chiếu một thước phim tự liệu ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời lượng chương trình diễn ra trong khoảng 120 - 150 phút. Ngoài ra, còn có phần văn nghệ chào mừng; phần thi chào hỏi của các đội chơi; phần trả lời câu hỏi dành cho các em khán giả; phần trò chơi vận động… tùy theo đối tượng học sinh mà bảo tàng có sự điều chỉnh hoặc cắt giảm các phần cho phù hợp.

- Thuyết minh phim “Theo chân Bác”: Nội dung phim giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tập trung vào phần 10 năm Người cùng gia đình sống, lao động và học tập ở Thừa Thiên Huế. Bộ phim là sự kết hợp hài hòa và lô gíc từ những thước phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những hình ảnh được quay tại bảo tàng và hệ thống di tích, địa điểm di tích lưu niệm của Người trên đất Thừa Thiên Huế - đây được xem là phần trọng tâm và điểm nhấn của phim. Phim không có lồng tiếng trước mà do các cán bộ bảo tàng trực tiếp thuyết minh và tùy theo đối tượng khán giả mà có phần thuyết minh phù hợp. Đây là điểm sáng tạo, linh động của bảo tàng nhằm tạo sự mới mẻ, hứng thú và sự cuốn hút đối với người xem, khác hẳn với xem các phim tư liệu thông thường. Đồng thời, kích thích sự tìm tòi, đổi mới nội dung thuyết minh cho cán bộ thuyết minh phim.

- Thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phần này được chia thành 04 đội chơi, mỗi đội có từ 04 - 05 em học sinh; cơ cấu giải thường gồm: 01 nhất, 01 nhì và 02 giải ba. Nội dung thi tìm hiểu bao gồm: phần thi câu hỏi trắc nghiệm; phần thi nhận diện di sản; phần thi mảnh ghép bí mật; phần thi câu hỏi ô chữ. Để đổi mới phương thức làm phong phú hơn nội dung tuyên truyền trong năm 2018, bảo tàng đã tổ chức thêm hình thức “Rung chuông vàng”… Nội dung các phần thi được bảo tàng chuẩn bị kỹ trong các slide powerpoint và khi tổ chức thực hiện được trình chiếu trên projector, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh dễ theo dõi và trả lời câu hỏi. Tùy vào từng đối tượng học sinh các cấp mà bảo tàng xây dựng nội dung câu hỏi và hình thức thi phù hợp. Nội dung câu hỏi các phần thi chủ yếu liên quan đến thước phim “Theo chân Bác”, đặc biệt là khoảng 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình sinh sống, lao động, học tập ở Thừa Thiên Huế cùng tiểu sử, sự nghiệp của Người. Qua đó, giúp các em củng cố lại những kiến thức đã được truyền đạt và trang bị thêm một số thông tin mới. Từ đó, cho các em hiểu hơn về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tự hào hơn về quê hương của mình - nơi vinh dự đón nhận Người cùng gia đình sinh sống, lao động và học tập trong khoảng gần 10 năm (tương đương với thời gian Người sống ở quê nhà Nghệ An, chỉ kém thời gian 15 năm Người sống ở thủ đô Hà Nội).

- Chiếu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ở phần này cán bộ bảo tàng thường chiếu những thước phim tư liệu ngắn từ khoảng 15 đến 20 phút như “Những giây phút cuối đời”; “Ngôi nhà từ đó Bác đi xa”; “Dòng Hương nhớ Bác”; “Lễ quốc tang Bác Hồ”; “Bác Hồ sống mãi” hay trích một đoạn ngắn trong phim “Hồ Chí Minh chân dung một con người”… Đây là những thước phim tư liệu quý, sâu lắng và đầy xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được quý thầy cô và các em học sinh đón nhận một cách tích cực.

- Ngoài ra, bảo tàng còn có phần câu hỏi cho các em khán giả, xen kẽ trong các phần thì tìm hiểu. Thông thường phần này có từ 10 - 15 câu hỏi về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình của Người. Để khuyến khích, động viên  cũng như tạo hứng thú cho các em sau mỗi lần trả lời đúng, đơn vị đều có một phần quà nhỏ. Bên cạnh đó, đối với học sinh tiểu học, giữa các phần thi cán bộ bảo tàng lồng ghép vào đó những trò chơi vận động như “Đưa bóng vào giỏ”, “Ném cầu qua vòng”…; các tiết mục văn nghệ hay kể chuyện về Bác… để tăng thêm sự hào hứng cho các em. Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có thêm phần thi chào hỏi: giới thiệu tên đội thi, mục đích ý nghĩa của hội thi… thông qua các tiểu phẩm do các em tự dàn dựng và thể hiện.

Kết thúc buổi tuyên truyền là phần đánh giá, trao giải thưởng cho các đội đạt giải. Bên cạnh đó, để ghi nhận thành công hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trao Giấy chứng nhận và hoa cho đơn vị phối hợp tổ chức.

Nhìn chung, đây là hình thức tuyên truyền mang tính tương tác cao giữa người tuyên truyền và đối tượng trực tiếp được tuyên truyền. Với một kịch bản chương trình được xây dựng chặt chẽ, vừa mang tính giáo dục tri thức, kết hợp với hình thức vui chơi giải trí đã làm cho công tác tuyên truyền thực sự được nhà trường và học sinh đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình. Đây chính là thước đo cho tính hiệu quả của một hình thức tuyên truyền mới - tuyên truyền lưu động. Với sự đổi mới trong hình thức tuyên truyền, lần đầu tiên bảo tàng tổ chức một hoạt động dành cho các em học sinh, các em được tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách dễ nhớ, tươi vui, tự nhiên, cách truyền tải khá nhẹ nhàng, phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh. Qua đó đã phát huy hiệu quả giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đến từng trường học, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục của bảo tàng nhằm góp phần đưa tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh đến với đông đảo học sinh; đồng thời, thiết thực hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục trong việc giáo dục các em học sinh có ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa nói chung và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng.

1.2. Hoạt động tìm hiểu, khám phá tại di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với các em học sinh, trong những năm gần đây bảo tàng thường xuyên phố hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức hoạt động tìm, hiểu khám phá tại di tích.

Nội dung hoạt động: Đầu tiên bảo tàng tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương và hướng dẫn cho các em học sinh tham quan, tìm hiểu về di tích. Sau khi các em được tham quan và tìm hiểu di tích, bảo tàng tổ chức cho các em tham gia các hoạt động:

- Thi vẽ tranh theo chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Thiếu niên với Bác Hồ”… cho một nhóm khoảng 20 - 30 em. Bảo tàng đã chuẩn bị sẵn bút, giá vẽ; các em vẽ theo chủ đề đã được đưa ra và hoàn thành trong thời gian 90 phút. Về cơ cấu giải thưởng gồm: 01 nhất, 01 nhì, 02 giải ba và 03 giải khuyến khích. Sau khi hoàn thành tác phẩm bảo tàng kết hợp với nhà trường tổ chức chấm tranh và công bố các tác phẩm đạt giải;

- Tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua trả lời câu hỏi trắc nghiệm trên phiếu khảo sát. Phần thi này có từ 20 - 30 em tham gia. Bảo tàng chuẩn bị nội dung các câu hỏi trắc nghiệm và một câu hỏi về cảm tưởng của các em khi được tham gia hoạt động tìm hiểu, khám phá tại di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các em có thời gian 30 phút để trả lời câu hỏi và ghi lại cảm tưởng của mình. Cơ cấu giải thưởng gồm có: 01 giải nhất, 01 giải nhì và 01 giải ba. Sau khi hết thời gian, bảo tàng sẽ thu lại phiếu, tổ chức chấm và công bố các em đạt giải;

- Phần trò chơi nhận diện di sản: Số lượng tham gia: 20 em chia làm 04 đội chơi (mỗi đội 05 em). Ban tổ chức sẽ phát cho mỗi đội 10 hình ảnh, nhiệm vụ của các đội chơi là phải tìm ra những hình ảnh về di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dán lên bảng trong vòng 10 phút, sau đó cử người đại diện lên giới thiệu về các di tích mà mình đã lựa chọn. Đội nào chọn được nhiều hình ảnh và giới thiệu đầy đủ sẽ giành giải nhất. Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 01 giải nhì và đồng giải ba.

Ngoài ra, tùy vào đối tượng học sinh tham gia mà bảo tàng có thêm phần khác như: Kể chuyện, hát, đọc thơ và sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Sau khi kết thúc các hoạt động bảo tàng tổ chức tổng kết, trao giải thưởng cho các đội chơi và các em tham gia đạt giải; đồng thời, trao Giấy chứng nhận và hoa cho nhà trường.

Đây là hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, trực quan sinh động, phù hợp với tâm lý thể chất của lứa tuổi học sinh, dựa trên cơ sở nguyên tắc bảo tàng học và giáo dục học. Việc tổ chức các hoạt động tìm hiểu, khám phá cho các em học sinh ngay tại di tích lưu niệm là một việc làm có ý nghĩa, đã tạo cho các em học sinh sự hứng thú, say mê tìm hiểu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa phương mình sinh sống và học tập. Qua đó, củng cố thêm những hiểu biết, những tình cảm sâu sắc của các em đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam; đồng thời, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của các em trong việc gìn giữ và phát huy di sản mà Người đã để lại cho nhân dân Thừa Thiên Huế.

2.3. Hoạt động sinh hoạt ngoại khóa

Không ngừng đổi mới nội dung và hình thức khi tiếp đón các đoàn khách đến với bảo tàng đặc biệt là các em học sinh. Hàng năm, bảo tàng còn phối hợp với các trường học tổ chức thêm hoạt động sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh.

Nội dung hoạt động sinh hoạt ngoại khóa bao gồm: tổ chức dâng hoa và hướng dẫn tham quan cho quý thầy cô và các em học sịnh tại nhà trưng bày bảo tàng; chiếu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng chiếu phim; sau đó tổ chức cho các em tham gia các hoạt động tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua phần chơi trả lời câu hỏi, thông qua hệ thống câu hỏi được chiếu trên các slide.

Để không ngừng đổi mới và nâng tầm hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, năm 2017 Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thi “Học sinh Huế với Bác Hồ”. Trên tinh thần đoàn kết, giao lưu, chia sẻ và học hỏi, Hội thi “Học sinh Huế với Bác Hồ” đã diễn ra nghiêm túc và sôi nổi với 04 đội thi của bốn trường: THPT Chuyên Quốc Học, THPT Gia Hội, THPT Nguyễn Huệ và THPT Nguyễn Trường Tộ. Các đội chơi trải qua 04 phần thi: Chúng em nhớ về Bác; Nhận diện Di sản; Tìm điểm sai trong câu chuyện lịch sử; Giải ô chữ. Hội thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng cho các em học sinh trong một buổi sinh hoạt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động thiết thực trong đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền của bảo tàng, gắn kết với phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, tạo điều kiện cho các em học sinh có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp các em học tập tấm gương đạo đức trong sáng của Người nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và trau dồi nhân cách cho bản thân.

Nhìn chung, hoạt động ngoại khóa tại tảo bàng là một hoạt động rất có ý nghĩa giúp học sinh có cơ hội và điều kiện tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt là khoảng thời gian thời niên thiếu của Người ở Huế. Qua đó, góp phần đưa di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thế hệ trẻ, để các em hiểu, cảm nhận sâu sắc và tỏ lòng thành kính tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

2. Một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Để cho công tác đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng đị vào chiều sâu, chuyên nghiệp hơn chúng tôi đưa ra một số kiến nghị, giải pháp sau:

Thứ nhất, đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn trong các hoạt động. Vần đề này trong những năm lại đây đã được đơn vị quan tâm đầu tư, trang cấp bổ sung;

Thứ hai, thường xuyên đổi mới nội dung và hình các hoạt động làm phong phú các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh;

Thứ ba, tiếp tục tằng cường mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp giữa bảo tàng với Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế nói chung và các trường học trên địa bàn tỉnh nhà nói riêng;

Thứ tư, cần mở rộng thêm đối tượng tuyên truyền giới thiệu, ngoài các em học sinh và đoàn viên thanh niên, chúng ta cần hướng đến các tầng lớp nhân dân khác như cán bộ, công nhân, viên chức và cán bộ hưu trí, Hội cựu chiến binh… nhằm làm đa dạng thêm các đối tượng tham gia;

Thứ năm, hàng năm nên tăng thêm số lượng và đầu tư thêm kính phí cho các đợt truyên truyền lưu động và hoạt động tìm hiểu, khám phá hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế;

Thứ sáu, không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ bảo tàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng khách tham quan. Tạo điều kiện hơn nữa cho viên chức đơn vị được đi tập huấn, tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hệ thống di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh trên toàn quốc. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm việc trong ngành bảo tàng nói chung và Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nói riêng, chúng tôi mong muốn Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế và các ban, ngành cấp trên có những chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ bảo tàng. Để từ đó họ yên tâm công tác, cống hiến hết khả năng, trí tuệ và tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn.

Kết luận

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua là một bước đi đúng hướng, phù hợp với xu thế hiện nay. Nếu như trước đây, đơn vị thường bị động trong khâu đón tiếp khách và tổ chức các hoạt động - ngồi chờ các đoàn khách đến đăng ký tham quan và tham gia các hoạt động, thì giờ đây đã chủ động liên kết, phối hợp để tiếp cận đến các đối tượng, đặc biệt là các em học sinh ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh không có điều kiện đến tham quan bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Thừa Thiên Huế. Thông qua những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa bảo tàng đã thu hút được hàng chục ngàn người tham gia, thực sự đem lại hiệu quả cao cho công tác tuyên truyên về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, góp phần tích cực vào công tác phát huy giá trị di sản mà Người để lại cho Thừa Thiên Huế. Qua đó, tích cực hưởng ứng việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay.

 

 

 

[1] Báo cáo kết quả hoạt động hàng năm của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

ThS. Lê Văn Hà - ThS. Trần Thị Hợi
HTKH "Đổi mới trưng bày Bảo tàng và Di tích trong giai đoạn hiện nay" 11/2018