Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Bảo tàng và vấn đề liên kết phối hợp tổ chức hoạt động
Đọc bài viết:
Bảo tàng là một thiết chế văn hóa ra đời, tồn tại và phát triển xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của xã hội. Chính vì vậy, để bảo tàng tồn tại và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của quần chúng nhân dân, thực hiện chức năng giáo dục một cách triệt để thì việc xây dựng những định hướng mới, giải pháp mới trong tổ chức hoạt động là vấn đề các bảo tàng cần hết sức chú ý. Ở góc nhìn Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, một bảo tàng lưu niệm danh nhân, thì vấn đề liên kết phối hợp tổ chức hoạt động luôn được chú trọng.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề sau:

 1. Tính cấp thiết của việc liên kết, phối hợp tổ chức hoạt động:

Đối với các Bảo tàng, việc khẳng định vị trí và giữ được tầm ảnh hưởng của mỗi Bảo tàng trong lòng công chúng là một vấn đề rất quan trọng. Chính vì thế Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, một Bảo tàng hạng hai của Tỉnh, mong muốn phát huy được giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với các tầng lớp người dân ở tầm quốc gia và quốc tế thì vấn đề đổi mới hoạt động theo xu hướng liên kết phối hợp là không thể thiếu. Các hoạt động liên kết phối hợp sẽ góp phần tôn vinh, phát huy những giá trị lịch sử, giá trị giáo dục của di sản các Bảo tàng đang nắm giữ ở một tầm cao hơn, mang tính quảng bá rộng rãi hơn. Đồng thời, việc liên kết phối hợp tổ chức hoạt động sẽ là một định hướng quan trọng cho quá trình đa dạng hóa hoạt động diễn ra nhanh chóng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, các nhà nghiên cứu. Việc liên kết phối hợp trong tổ chức hoạt động là một vấn đề cần được các Bảo tàng hết sức quan tâm, cần thực hiện một cách triệt để, giữ vị trí vững chãi và nâng tầm ảnh hưởng của Bảo tàng trong lòng dân chúng.

2. Những hoạt động Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã thực hiện hiệu quả trong quá trình liên kết phối hợp tổ chức hoạt động:

Thứ nhất, phối hợp tổ chức các chuyên đề triển lãm. Các triển lãm chuyên đề được các tổ chức, cá nhân phối hợp đưa về triển lãm tại Bảo tàng, ngoài việc nhằm phát huy tốt hơn giá trị những bộ sưu tập hiện vật các Bảo tàng đang giữ còn nhằm mục đích phục vụ quần chúng nhân dân Thừa Thiên Huế. Công chúng không phải đi đâu xa mà vẫn có thể thưởng lãm những món ăn tinh thần đến từ các Châu lục, từ những vùng miền khác nhau trong cả nước.

Trong những dịp lễ lớn, những ngày kỉ niệm trọng đại của dân tộc. Bảo tàng đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm chuyên đề với nội dung phong phú, hình thức mới lạ, thu hút sự quan tâm lớn của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Thông qua sự chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh, quá trình tự liên hệ với các tổ chức cá nhân, chúng tôi đã có các hoạt động diễn ra trong các kì Festival và các dịp lễ lớn. Triển lãm của các nước Hàn Quốc và Trung Quốc (Thư pháp thơ “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh), triển lãm về đất nước con người Nhật Bản, triến lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt – Pháp và hai lần tổ chức triển lãm các tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng.

Ở phạm vi trong nước, chúng tôi đã có sự liên kết với các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức các triển lãm chuyên đề: Kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Hà Nội- Huế- Sài Gòn; 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, liên kết với Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) tổ chức các triển lãm chuyên đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh với di sản văn hóa. Ở phạm vi trong tỉnh liên kết với Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng; Bảo tàng Văn hóa Huế; Nhà trưng bày TPNT Điềm Phùng Thị; Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tổ chức triển lãm chuyên đề: Tấm lòng và kỷ vật; Các triển lãm phục vụ các phong trào của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phối hợp với Trung tâm Phát hành phim Chiếu bóng Tỉnh tổ chức tuần lễ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm. Đây là những triển lãm được đánh giá cao về chất lượng giáo dục, hiệu quả hoạt động.

Thứ hai, trong hoạt động sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật chúng tôi đã có sự liên kết phối hợp với Khoa Lịch sử các trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học, Đoàn Khối Dân chính Đảng (nay là Đoàn Khối các cơ quan Tỉnh) tổ chức sưu tầm. Kết quả đã mang về hơn 1.580 (từ năm 2012 đến 19/5/2015) tài liệu, hiện vật quý liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế lưu giữ trong hai cuộc kháng chiến.

Thứ ba, việc phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học mang tầm quốc gia được Bảo tàng hết sức chú trọng. Những hội thảo lớn được diễn ra thường xuyên với sự phối hợp của Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Hội thảo “Nghiên cứu xác minh khoa học thông tin về những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian sống ở Huế"; Hội thảo về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người đã sống, lao động, học tập ở Thừa Thiên Huế những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20… Trên địa bàn Tỉnh, chúng tôi thường có sự phối hợp với Khoa Sử, Khoa Lý luận chính trị trường Đại học Khoa học tổ chức các hội thảo nghiên cứu về tiểu sử sự nghiệp, về tư tưởng Hồ Chí Minh…

Các cuộc hội thảo đã trở thành diễn đàn trao đổi thông tin, nghiên cứu, học tập, thống nhất những kết quả nghiên cứu phục vụ công tác tuyên truyền về sự nghiệp và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ tư, trong hoạt động bảo tồn di tích, với phương châm xã hội hóa, kết hợp các phong trào đoàn đội, các phong trào trong ngành giáo dục đào tạo, các tổ chức cá nhân trong tỉnh. Bảo tàng đã có những phối hợp bước đầu khá hiệu quả như: Trồng cây tôn tạo cảnh quan di tích, chăm sóc vườn cây, vệ sinh sạch đẹp di tích, tu bổ sửa chữa các di tích (Sở Giáo dục và Đào tạo tặng bộ lục sự bằng đồng, hai tủ trưng bày tài liệu hiện vật tại Nhà trưng bày Dương Nỗ; trồng cây mai vàng; cây thanh trà và tài trợ kinh phí sữa chữa nhà vệ sinh di tích Dương Nỗ; Khối thi đua các cơ quan Đảng của Tỉnh cũng trao tặng hệ thống ảnh, tư liệu Nhà trưng bày bổ sung di tích Dương Nỗ; Đoàn thanh niên Vietcombank Huế tặng kinh phí sửa chữa bệ tượng Nguyễn Tất Thành ở trường Quốc Học; Công ty cổ phần Trường Sơn (thị xã Hương Trà) tặng bộ máy chiếu dùng trong tuyên truyền lưu động, triển lãm lưu động; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Tỉnh tặng tượng bán thân bằng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương chi nhánh Nam Thừa Thiên Huế tặng hệ thống điện chiếu sáng sân vườn nhà trưng bày và nhà lưu niệm Dương Nỗ, tặng khung, bảng khấu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” tại nhà trương bày Dương Nỗ. Cá nhân tặng giải thưởng cho các em học sinh khi Bảo tàng tổ chức hoạt động khám phá tại di tích Dương Nỗ và di tích 112 Mai Thúc Loan. Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tặng 02 cây lộc vừng ở Nhà trưng bày Dương Nỗ).

Với những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận, Bảo tàng sẽ tiếp tục phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động với chủ trương tăng cường xã hội hóa. Với mong muốn những hoạt động của Bảo tàng ngày càng khởi sắc, đóng góp những giá trị văn hóa sâu sắc trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân Thừa Thiên Huế.

Thứ năm, Bảo tàng có sự liên kết, phối hợp tổ chức các hoạt động triển lãm lưu động (phối hợp với Thư viên Tổng hợp Tỉnh, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, Đoàn sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Đoàn Khối Doanh nghiệp) là một hoạt động hiệu quả có sức hút mạnh mẽ ở những địa bàn diễn ra hoạt động; tuyên truyền lưu động; tổ chức hoạt động khám phá, thi kể chuyện Bác Hồ tại di tích, tại các trường học trên địa bàn Tỉnh.

Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị, ký kết phối hợp tổ chức hoạt động phát huy giá trị các di tích, những hoạt động triển khai tại các trường, các di tích đã tạo được ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân, quý thầy cô giáo, nhất là học sinh các trường.

Các hoạt động hỗ trợ phù hợp với nội dung hoạt động Bảo tàng cũng thường xuyên được chú trọng thực hiện như: Thi tìm hiểu về tiểu sử sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tìm hiểu các tác phẩm của Người được tổ chức đều đặn trong học sinh và sinh viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học trên địa bàn. Tạo điều kiện cho các em tìm hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức và tiểu sử sự nghiệp cũng như thơ văn của Người, thực hiệc tốt chức năng giáo dục của Bảo tàng đối với việc rèn luyện đạo đức của học sinh theo lời Bác Hồ dạy.

Những chương trình văn nghệ với chủ đề thơ, nhạc về quê hương đất nước, hát về Bác Hồ cũng được tổ chức vào các ngày Kỷ niệm lớn của dân tộc. Các đơn vị phối hợp (trường CĐ Sư Phạm, CĐ Y Tế, CĐ Công Nghiệp, trường Quốc Học, THCS Thống Nhất, ĐH Sư Phạm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vietcombank, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội thơ Hương Giang, CLB Tiếng hát đi cùng năm tháng) đã tổ chức được các chương trình thơ, nhạc với nội dung phong phú, hấp dẫn thu hút được những lượng lớn khách đến dự, tạo được những dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân.

Có thể nói, yêu cầu liên kết, phối hợp tổ chức hoạt động là một nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển Bảo tàng. Với những kết quả đáng ghi nhận Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những hoạt động liên kết, phối hợp góp phần làm cho Bảo tàng ngày càng phát triển, phục vụ đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân.

 

 

 

 

Trần Đình Luyện
Ấn phẩm kỷ niệm 35 năm ngày thành lập BTHCM TTH "Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TTH". 2015