Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Góp phần nâng cao công tác giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với hình thức tham quan, học tập thực tế tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
Đọc bài viết:
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành bởi tư duy, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn của Người. Đó cũng là quá trình tiếp thu, rèn luyện từ học tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, khám phá các quy luật vận động, đời sống văn hóa, xã hội và cuộc đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm trong thực tiễn nên mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.

Với ý nghĩa to lớn đó, từ năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa môn học tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong các học viện, trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao sự nhận thức và sự định hướng đúng đắn về tư tưởng, bản lĩnh chính trị đối với với mỗi sinh viên trong trong giai đoạn cách mạng mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại: văn hóa phương Đông và phương Tây mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Với tư cách là một bộ môn khoa học, học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh có đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu riêng. Trong đó, đối tượng nghiên cứu của học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống các quan điểm, quan niệm, lý luận về cách mạng Việt Nam, mà cốt lõi là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, đối tượng của học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là bản thân hệ thống các quan điểm, lý luận được thể hiện trong toàn bộ di sản của Hồ Chí Minh mà còn là quá trình vận động, hiện thực hóa các quan điểm, lý luận đó trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là quá trình mang tính quy luật, bao gồm hai mặt thống nhất biện chứng tác động qua lại, sản sinh tư tưởng và hiện thực hóa tư tưởng theo các mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Trong những năm qua, công tác giảng dạy và học tập học phần tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng tại Huế nói riêng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Từ giáo trình, tài liệu, tư liệu dạy học dùng cho học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học; đội ngũ giảng viên luôn chủ động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để có những tiết học tạo hưng phấn tác động hai chiều giữa thầy cô và sinh viên; thường xuyên gắn lý luận với thực tiễn; kết hợp giảng dạy lý thuyết trên lớp với lồng ghép xem phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức tham quan học tập thực tế tại Bảo tàng và các di tích về Bác ở Huế, qua đó bước đầu đã đem lại những hiệu ứng tích cực đối với sinh viên, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, đưa nhiều nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh đến với người học.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong mấy năm qua, một trong những phương pháp giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả cao, đó là kết hợp nội dung giảng dạy tại nhà trường và gắn với tham quan, học tập thực tế tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và các di tích, địa điểm di tích liên quan đến gia đình Bác đã sống trong khoảng 10 năm ở Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế qua 40 năm xây dựng và phát triển, nơi đây hiện đang lưu giữ một di sản văn hóa quý báu, với gần 18 ngàn tư liệu, hiện vật có giá trị liên quan đến tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, như trong Điều 47, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam khẳng định "Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân".

Toàn bộ phần trưng bày tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm tám chủ đề được trưng bày một cách hệ thống, giữa các chủ đề được phân biệt với nhau bằng các giải pháp mỹ thuật trưng bày khác nhau nhằm phản ánh hai nội dung chính: Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người sống, lao động, học tập ở Thừa Thiên Huế; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thừa Thiên Huế - Thừa Thiên Huế với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại đây, người xem được cán bộ thuyết minh viên của Bảo tàng giới thiệu tám chủ đề của không gian trưng bày và các tư liệu, hiện vật một cách rõ ràng, chi tiết. Sinh viên tận mắt chứng kiến hơn 1.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật có liên quan đến lịch sử, phong trào cách mạng, đặc biệt về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua hình thức tham quan học tập tại Bảo tàng, sinh viên có thể tiếp nhận được giá trị lịch sử một cách trực tiếp bằng các giác quan, chuyển tải từ tài liệu, hình ảnh, hiện vật là cơ sở đặc điểm nổi bật, đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Cùng với việc quan sát trực tiếp các tài liệu, hiện vật sinh viên được người thuyết minh giảng giải cho họ những thông tin một cách rõ ràng, giải mã những nội dung tiềm ẩn về các tài liệu, hiện vật mà trong giáo trình giảng dạy không có, để họ lĩnh hội một cách tích cực và đầy đủ chính xác những giá trị đích thực của tài liệu hiện vật liên quan đến Bác. Với cách tiếp cận này, sinh viên học tập được phương pháp trình bày, phân tích, so sánh, đối chiếu để hiểu bản chất bên trong của các sự kiện, nhân vật lịch sử, giúp cho sinh viên có được cái nhìn chân thực, khách quan sinh động về sự kiện lịch sử. Người xem được trực tiếp quan sát hiện vật, nghe cán bộ thuyết minh kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với hiện vật gốc, hiểu được bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử. Sinh viên vừa được nghe người thuyết minh giới thiệu, vừa được nhìn, quan sát kỹ hiện vật, vừa có thể trao đổi ý kiến với người thuyết minh, đồng thời nói lên suy nghĩ của bản thân, kể cả việc so sánh những gì các em vừa tham quan với những gì mà các em học trong lý thuyết sẽ giúp các em ghi nhớ lâu hơn.

Các tổ hợp, nội dung trưng bày của Bảo tàng được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu của nhiều nhà sử học, kiến trúc, mỹ thuật của Việt Nam về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong thời đại Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động, có tác dụng thiết thực góp phần nâng cao thêm chất lượng thực tiễn trong học tập môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt là phần cơ sở hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam... trong sách giáo trình. Do có tính trực quan cao, được mô tả bằng hình ảnh, tư liệu, tài liệu, hiện vật một cách logic, sinh viên sẽ thích thú, chú ý lắng nghe và nêu ra nhiều vấn đề để cán bộ Bảo tàng giải đáp, tạo nên sự tương tác, củng cố tri thức lịch sử đã được học.  Nhờ vậy mà hình thức tham quan, học tập thực tế tại Bảo tàng mà mối quan hệ giữa sinh viên và môn học trở nên gắn bó. 

Chẳng hạn như khi bước vào tuyến tham quan của chủ đề 1: Thời niên thiếu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh - bước đầu hoạt động yêu nước (1890 - 1911)    

Bằng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày nhằm giới thiệu một số nét chính về truyền thống văn hoá, lịch sử dân tộc, bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các tổ hợp như: Tổ hợp không gian hình tượng “Con đường từ Nghệ An đến Huế”; Tổ hợp không gian hình tượng “Trường Thi Thừa Thiên”; "Tổ hợp không gian hình tường trường Quốc Học"; "Tổ hợp phong trào Chống thuế". Giới thiệu về quê hương, gia đình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh thời gian gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Huế, những tác động của hoàn cảnh xã hội, điều kiện gia đình và bản thân, từ đó hình thành tư tưởng cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua chủ đề này, sinh viên sẽ được tai nghe, mắt thấy những hình ảnh, tài liệu, hiện vật, những nhân vật lịch sử gắn liền với truyền thống văn hoá lâu đời, có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt là bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên; những năm tháng gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế (1895 - 1901; 1906 - 1909). Qua giải pháp trưng bày tổ hợp không gian hình tượng, tổ hợp hiện vật, sinh viên như được hiện thực hóa bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, giúp các em cảm nhận một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn.

Tiếp đến là chủ đề thứ 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn (1911 - 1920).  Ở phần tham quan này giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về nội dung trong giáo trình giảng dạy như: Thời kỳ từ 1911 - 1920 Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Bằng các tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trưng bày ở chủ đề này nhằm giới thiệu cho sinh viên thấy được sự hòa mình với nhân dân lao động, với thực tiễn của cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng lao động ở nhiều nước trên thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trong thời gian này đã từng bước nhận thức được nguồn gốc sâu xa của mọi sự áp bức dân tộc và giai cấp. Người đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin, đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải làm nhiều nghề khác nhau, kiên trì chịu đựng mọi gian khổ: phụ bếp trên tàu, xúc tuyết, bồi bàn, làm vườn, làm thợ ảnh, đây là những công việc nặng nhọc, vất vả, tiền công lại ít. Vì vậy, Người phải sống kham khổ, nhưng cũng chính những công việc đó giúp Người có điều kiện tiếp xúc, hòa mình vào đời sống của người dân lao động để hiểu rõ bản chất thủ đoạn của chủ nghĩa tư bản đối với nhân dân lao động trong nước và nhân dân thuộc địa.

Chuyển sang chủ đề thứ 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh, bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (1920 - 1924);

Cũng bằng các giải pháp trưng bày thông qua các hình ảnh, tư liệu, hiện vật nhằm giới thiệu cho sinh viên hiểu được những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đảng cộng sản Pháp, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng thời trong thời gian này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì đấu tranh cho những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động trong Đảng cộng sản Pháp, tham gia sáng lập “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa” và đặc biệt để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động cách mạng ở các thuộc địa, Hội liên hiệp thuộc địa đã xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ). Nguyễn Ái Quốc là linh hồn của tờ báo, vừa là chủ nhiệm, kiêm chủ bút, thủ quỹ, báo xuất bản bằng tiếng Pháp nhưng ở trang đầu còn có tên báo bằng chữ ả rập và chữ Hán nhằm tố cáo sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh ý chí quật cường của các dân tộc bị áp bức.

Các chủ đề tiếp theo: Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng Tháng Tám, sáng lập Nhà nước dân chủ nhân dân (1930 - 1945);Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và tiến hành kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam (1954 - 1969); Nhân dân Việt Nam mãi mãi đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Các tổ hợp trưng bày này nhằm giới thiệu cho người xem hiểu rõ quá trình hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài và sự vận động sáng tạo đường lối chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị mọi mặt về  chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời cũng làm cho người xem thấy được tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Thừa Thiên Huế trong những năm 1920 - 1930 và sự ra đời của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, cho đến thời kỳ Người trực tiếp tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, sáng lập nhà nước dân chủ nhân dân. Sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam trong việc đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng, đề ra đường lối và phát huy sức mạnh dân tộc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954... Từ những hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày một cách trực quan sinh động giúp sinh viên nhận biết được lịch sử quá khứ một cách chân thực, chính xác.

Bên cạnh nhà trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, còn có hệ thống di tích lưu niệm về Người vô cùng quý giá như: di tích 112 Mai Thúc Loan, địa điểm di tích gian nhà Dãy trại tại 47 Mai Thúc Loan, di tích nhà lưu niệm ở làng Dương Nỗ, Bến Đá, Am Bà, Đình làng Dương Nỗ, chợ Xép, Miếu Âm Hồn, Địa điểm Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Trường Quốc Học, Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ, Địa điểm mai táng Bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh)...  Đây là những di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình của Người sống, lao động học tập và tham gia hoạt động yêu nước trong khoàng thời gian 10 năm trong hai giai đoạn 1895 - 1901 và 1906 - 1909, khi Người ở lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi, và từ 16 đến 19 tuổi. Thời niên thiếu Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân dưới áp bức bóc lột của thực dân Pháp, sự nhu nhược của triều đình và từ đó hình thành chí hướng cách mạng, cứu nước cứu dân và khát vọng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân

Tổ chức hình thức tham quan, học tập thực tế tại các di tích, sinh viên sẽ được trực tiếp cảm nhận bằng trực quan của mình mà chủ yếu là bằng mắt và tai, mọi cái được cụ thể hóa thông qua những hiện vật trưng bày chân thực, sinh động, đặc  biệt là được nghe những câu chuyện kể gắn liền với từng di tích, địa điểm di tích từ người thuyết minh một cách sinh động và truyền cảm. Từ đó, sinh viên cảm nhận một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về hình ảnh ngôi nhà, bến nước, các nghi lễ truyền thống, mô hình lớp học chữ Hán... của bối cảnh xã hội đương thời và cũng như các sinh hoạt văn hóa của gia đình Bác ở Huế lúc bấy giờ. Qua những mẩu chuyện, lời giới thiệu của từng di tích từ thuyết minh, sinh viên sẽ hiểu thêm trong những gì từng là gốc rễ của một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng Hồ Chí Minh, có cả Cố đô Huế với thời niên thiếu và tuổi thanh niên của Người. Huế cùng với tình thương và nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa đồng bào, bà con, lối xóm, với những tác động ngược chiều khác nhau của xã hội và nhà trường đối với một con người mà ngay từ nhỏ đã bộc lộ như một năng lực thiên bẩm, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp của một Anh hùng dân tộc - một danh nhân văn hoá - Hồ Chí Minh, đem lại nguồn cảm hứng và niềm say mê cho các sinh viên, giúp họ tiếp nhận thông tin một cách thực tế, tự nhiên và hiệu quả.

Có thể thấy rằng việc tổ chức tham quan, học tập tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế góp phần nâng cao mặt giáo dục (tư tưởng, phẩm chất, đạo đức), kỹ năng (tư duy, thực hành) và giáo dưỡng (kiến thức) đối với sinh viên khi học môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính sự đa dạng về hình ảnh, nguồn tư liệu, hiện vật thông qua giải pháp trưng bày của khoa học bảo tàng, lịch sử như được "tái diễn lại quá khứ" làm cho người xem có hưng phấn, khơi dậy lòng tự hào về quá khứ và hiện tại, ý chí bảo vệ những lợi ích của dân tộc. Góp phần nâng cao giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho nhân dân, cho tuổi trẻ, trong đó có tuổi trẻ học đường trong giai đoạn hiện nay, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

ThS. Trương Tuấn Anh
HTKH "40 năm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Dấu ấn những chặng đường - 2020