Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

THẦY GIÁO NGUYỄN TẤT THÀNH DẠY HỌC Ở PHAN THIẾT
Đọc bài viết:
Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng thời gian sinh sống, học tập tại Thừa Thiên Huế. Sau đó Người đi dần vào miền Nam để tìm đường cứu nước. Chuẩn bị cho con đường vạn dặm đó, Người đã dừng chân một thời gian ở Dục Thanh (Phan Thiết) làm nghề dạy học.

 

            Sách “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Phan Thiết” của tác giả Kiều Ngọc Tú, Sở Giáo dục phối hợp với Ủy ban khoa học kỹ thuật Thuận Hải xuất bản năm 1990 sẽ giới thiệu với người đọc về khoảng thời gian quan trọng đó.

            Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:

            Phần I: Bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX.

            Ngoài việc nêu lên bối cảnh lịch sử chung, cuốn sách cung cấp cho chúng ta những thông tin về ảnh hưởng của phong trào Duy Tân tại Bình Thuận, trường Dục Thanh (thị xã Phan Thiết). Đồng thời với khoảng thời gian và lý do mà Nguyễn Tất Thành đến dạy học ở Phan Thiết.

            Tác giả, ngoài sự thương yêu, tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi của những người dân tại nơi Nguyễn Tất Thành đến dạy học, còn có một lý do khác dù còn nhỏ tuổi, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được những phẩm chất đạo đức bao trùm nhất đó là: lòng yêu nước thương dân, tiếp thu những tư tưởng mới và kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha, ông và của cả dân tộc. Đây chính là chìa khoá đầu tiên để anh tham gia hoạt động xã hội một cách tích cực và đã để lại những kỷ niệm tốt đẹp cho học trò, đồng nghiệp và nhân dân lao động tại Phan Thiết.

            Phần II: Những mẩu chuyện về thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học.

            Phần này giới thiệu về phong cách sống của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Nói về quá trình giảng dạy của Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh: nội dung giảng dạy, việc giảng dạy trên lớp, việc Nguyễn Tất Thành tham gia xây dựng trường học, tổ chức ngoại khoá và xâm nhập thực tế địa phương, về hiệu quả đào tạo. Cho thấy, chính nơi đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành có thời gian tìm hiểu sâu hơn tình hình phía Nam, tích luỹ thêm vốn kiến thức để thực hiện quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Đồng thời, cuốn sách cũng giành một phần để ghi lại một số hình ảnh về Khu di tích Bác Hồ ở Phan Thiết.

            Phần III: Những bài học quí báu được rút ra.

            Từ những kết quả nghiên cứu, phân tích về khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành dạy học ở Phan Thiết, tác giả nêu lên những bài học và tấm gương người thầy giáo để các thế hệ thầy và trò hôm nay noi theo:

1. Cần xác định đúng đắn vị trí nghề nghiệp: Đây là việc làm hết sức cần thiết, xác định được vấn đề này sẽ giúp cho đội ngũ nhà giáo tự bản thân trang bị thêm sức mạnh tinh thần, đủ nghị lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

2. Tất cả vì học trò thân yêu: Đối tượng giáo dục của nghề giáo là học sinh, là con người, “mà đã là con người thì dù nhỏ tuổi cũng cần phải được trân trọng”, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã xác định quan điểm của mình một cách rõ ràng trong lúc Người dạy học ở Phan Thiết.

Trong trường học, dứt khoát phải có các hình thức kỷ luật để đảm bảo kỷ cương trường học, đồng thời phải lấy tinh thần vì sự nghiệp giáo dục học sinh làm gốc. Chức năng của sự giáo dục là lấy dạy dỗ, khuyên răn giúp cho học sinh biến quá trình dạy học thành quá trình tự giáo dục

3. Ra sức phấn đấu tự học tập để nâng cao chất lượng giảng dạy: Có học tập liên tục, đội ngũ nhà giáo mới giữ vững được vị trí của người thầy giáo trên bục giảng.

4. Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo: Những chủ đề mà các thầy cô giáo có thể học hỏi ở tấm gương thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong quá trình giảng dạy, đó là:

- Dạy cho học sinh tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào.

- Yêu cầu học trò học tập tốt qua sự giảng dạy nhiệt tình của thầy giáo. Học trò phải chăm chú học tập, nắm vững kiến thức bài học, thuộc bài đã học.

- Giáo dục lao động, giáo dục rèn luyện thân thể...

Như vậy, trong các chủ đề giáo dục, biện pháp giáo dục của thầy giáo Nguyễn Tất Thành là lấy cuộc sống của người thầy giáo để học sinh soi rọi và làm theo. Đó chính là những điều cần thiết, giúp cho đội ngũ nhà giáo hôm nay nghiên cứu, học tập.

Sách “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Phan Thiết” dày 64 trang, khổ 14x19cm.

Sách hiện có tại Thư viện Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.