Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

NHỮNG MỐC SON TRONG HÀNH TRÌNH CỦA DANH NHÂN HỒ CHÍ MINH
Đọc bài viết:
Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới. Tư tưởng của Người đã trở thành một hệ giá trị văn hoá của loài người. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Người mãi mãi là bộ phận hợp thành nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của cả dân tộc Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Trung tâm Bồi dưỡng nhân lực và Dịch vụ kinh tế kỹ thuật (HUPETS) thuộc Hội khuyến học Việt Nam và Trường Đại học dân lập Duy Tân giới thiệu cuốn sách “Những mốc son trong hành trình của danh nhân Hồ Chí Minh” của giáo sư Trần Đình Huỳnh với sự cộng tác của KS. Đào Văn Minh, giám đốc Trung tâm HUPETS).

            Cuốn sách với những chỉ dẫn cần thiết trong việc khai thác một cách khoa học tư liệu về Hồ Chí Minh, về cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người.

Cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chia thành 7 mốc son đáng chú ý:

I. Nguyễn Sinh Cung - Mười năm đầu cuộc đời (1890-1900).

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19.5.1890 với tên gọi Nguyễn Sinh Cung ở làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Người đã từng theo cha mẹ vào Huế.. bước đầu học chữ Hán.

II. Nguyễn Tất Thành - Mười năm tuổi nhỏ - trí lớn (1901-1910).

Đây là khoảng thời gian Nguyễn Sinh Cung bước qua tuổi thiếu niên, thời kỳ đã ghi dấu ấn của Người với quê hương, gia đình và việc học hành. Tuổi thiếu niên gian khó qua đi, đã sớm bộc lộ mầm mống trí lớn của một con người mà sau này trở thành anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

III. Nguyễn Tất Thành -Nguyễn Ái Quốc 10 năm ra đi tìm đường cứu nước (1911-1920).

Đây có thể coi là cái mốc quan trọng đầu tiên phản ảnh sự chuyển biến cả trong tư tưởng lẫn hành động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học; đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về phương pháp cách mạng...

IV. Nguyễn Ái Quốc - 10 năm hoạt động sôi nổi, gian khổ, dũng cảm (1921-1930).

Đây là thời gian Nguyễn Ái Quốc tiếp tục sống ở Pháp, hoạt động rất sôi nổi và sáng tạo cả trên hai bình diện lý luận và thực tiễn. Trong thời gian này, Người đã để lại những dấu ấn lịch sử không thể phai mờ, thể hiện ở những mặt chủ yếu sau:

- Tố cáo, lên án chủ nghĩa thực dân, liên lạc với những người dân thuộc địa sống trên đất Pháp để tuyên truyền, ra báo, xây dựng tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa.

- Tham gia câu lạc bộ Phô bua, tham gia các Đại hội Đảng, các sinh hoạt chi bộ.

- Tiếp xúc với Việt Kiều để tuyên truyền giác ngộ và bàn bạc con đường cứu nước.

V. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình (1931-1945).

Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Hồng Kông (Trung quốc) trong Ban Phương Đông quốc tế cộng sản. Người bị thực dân Anh bắt tại Hồng Kông và thả tự do vào năm 1932. Đây là thời kỳ khó khăn của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình hoạt động cách mạng. Vào thời điểm đó, cuộc đấu tranh khi công khai, khi ngấm ngầm trong nội bộ Quốc tế cộng sản cũng như trong Đảng cộng sản Đông Dương, về các vấn đề chiến lược, chiến thuật của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hay trong phạm vị của mỗi nước đang diễn ra hết sức gay gắt, quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế lịch sử đã cho thấy rõ sự lựa chọn, giải quyết những vấn đề dân tộc và quốc tế, đường lối mặt trận dân tộc thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức đúng đắn và sáng tạo, là một trong những di sản lý luận mà Người để lại cho chúng ta.

Sau khi trở về tổ quốc, theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh được thành lập (Việt Minh).  Sau đó, Người quyết định thành lập đội vũ trang cách mạng ở Cao Bằng. Tháng 12.1944, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Người đã cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào ngày 2.9.1945.

VI. Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1946-1954).

Với sự nhanh nhạy khôn khéo, trước tình hình nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân tiến bộ yêu chuộng hoà bình trên thế giới, sự đồng lòng nhất trí của các lực lượng quần chúng nhân dân, tranh thủ tầng lớp trí thức trong nước và ngoài nước; đặc biệt là kêu gọi sự đoàn kết đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Việt Nam; Người đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc trường chinh chín năm thắng lợi vẻ vang với chiến dịch Điện Biên Phủ. Đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi nước Việt Nam.

VII. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo cả nước làm hai nhiệm vụ chiến lược nhằm đấu tranh “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (1955-2.9.1969).

Từ tháng 1.1955 đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2.9.1969) là thời gian đánh dấu những sự kiện đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra những quyết sách chính trị vô cùng sáng suốt để lãnh đạo cả dân tộc. Hai nhiệm vụ chiến lược thời gian này: Xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thực hiện thống nhất nước nhà.

Đây là thời kỳ phản ánh rõ và toàn diện tư tưởng của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền, về xây dựng Đảng, về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, về các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân, về quốc phòng, an ninh, về giáo dục và đào tạo các thế hệ cách mạng và về nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội kể cả ngoại giao.

Sách gồm 296 trang, Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2000.

Sách hiện có tại Thư viện Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.