Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Vai trò của hiện vật - Yếu tố quan trọng để đưa bảo tàng đến công chúng
11/11/2022
Đọc bài viết:
1. Hiện vật là cơ sở cho mọi hoạt động của bảo tàng Nói đến bảo tàng là phải nói đến hiện vật, không có hiện vật thì không có bảo tàng, không có hoạt động bảo tàng. Các hoạt động của bảo tàng như sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, nghiên cứu, hướng dẫn khách tham quan đều dựa trên cơ sở các hiện vật bảo tàng. Hiện vật vừa là cơ sở vật chất vừa là phương tiện thông tin có hiệu quả trong việc thực hiện các chức năng xã hội của bảo tàng. Đó cũng chính là điểm đặc trưng để phân biệt cơ quan văn hóa, khoa học giáo dục khác. Vì vậy hiện vật bảo tàng luôn luôn là sự quan tâm của những người làm công tác bảo tàng để tìm kiếm, giữ gìn, khai thác và phát huy tới mức tối ưu những gía trị và tác dụng của hiện vật trong những hoạt động của bảo tàng.

   Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, trong những thập niên trở lại đây, hoạt động của ngành bảo tàng nước ta cũng không ngừng đổi mới. Với một mạng lưới cả nước có 154 bảo tàng được trải đều khắp cả nước, các bảo tàng nước ta bảo quản gần 3.000.000 hiện vật (theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến tháng 12/2016). Trong những năm vừa qua, ngành bảo tồn bảo tàng đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp bảo tồn, sử dụng và phát huy tác dụng các di sản văn hóa dân tộc, đó là địa chỉ để thế hệ đương đại tìm hiểu quá khứ dân tộc, các thành tựu chính trị - kinh tế - văn hóa - nghệ thuật cha ông đạt được, hiểu tiến trình lịch sử dân tộc từ quá khứ đến hiện tại, từ đó xác định trách nhiệm tiếp nối truyền thống. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã viết: “Viện bảo tàng Cách mạng là một cuốn sử sống. Các cán bộ, Đảng viên và người ngoài Đảng, nhất là các thanh niên đến xem Viện Bảo tàng sẽ thấy được các liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc như thế nào, Đảng đã lãnh đạo cách mạng vượt qua bao gian khổ và đưa cách mạng đến thắng lợi như thế nào. Các tài liệu hiện vật trưng bày ở đây sẽ làm cho mọi người tăng thêm lòng tin tưởng ở Đảng và chế độ cách mạng tốt đẹp của chúng ta”[1].

Xã hội chấp nhận bảo tàng bởi nó có một ngôn ngữ khá đặc biệt vì ở đó có những vật chứng trung thực của lịch sử. Hiện vật bảo tàng đều mang thông tin xã hội hoặc thông tin khoa học, là nguồn sử liệu cung cấp những tri thức cần thiết về tự nhiên, xã hội và về con người, bởi hiện vật  được lấy từ thực tế cuộc sống và môi trường sống của con người nên hiện vật và thông tin hàm chứa trong hiện vật có khả năng minh chứng cho các sự kiện, hiện tượng... của tự nhiên - xã hội. Sự tồn tại của tư liệu hiện vật gốc được hình thành trên cơ sở xác định các giá trị khoa học, nghệ thuật, là dấu ấn về các sự kiện lịch sử hoặc các nhân vật lịch sử và nâng cao giá trị của bảo tàng. Do đó toàn bộ các hoạt động của bảo tàng đều lấy yếu tố gốc của tư liệu hiện vật là xuất phát điểm và trung tâm điểm để tạo nên sức sống, sự phong phú, sức hấp dẫn, sức cuốn hút nhân dân đến với bảo tàng.Trên cơ sở sự tồn tại cụ thể, sinh động của các tài liệu - hiện vật có giá trị, công chúng có cơ hội nhận thức một cách trực tiếp về các sự kiện, hiện tượng, quá trình... mà hiện vật phản ánh, đại diện. Khi đến bảo tàng, thông qua các tài liệu, hiện vật gốc khách tham quan sẽ cảm nhận được lịch sử, lối sống, nếp sống, cách suy nghĩ của một dân tộc, một vùng của trái đất theo tiếp cận riêng độc đáo của từng người để lại sáng tạo ra những giá trị mới hơn. “Các sưu tập hiện vật là vật chứng gốc đồng thời là cái có, là điểm tựa để con người hiện đại tư duy, sáng tạo và tiến xa hơn vào cuộc sống nhân văn hơn, tiện nghi hơn”[2].

 Hiện vật trong mỗi bảo tàng đều xác định bản sắc riêng của mỗi bảo tàng và giữ vai trò có tính chất quyết đến sự phát triển của bảo tàng. Hiện vật bảo tàng càng phong phú, càng phù hợp với loại hình bảo tàng, càng được nghiên cứu, xác định khoa học một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác bao nhiêu thì càng có điều kiện để rộng đường lựa chọn hiện vật phục vụ cho xây dựng trưng bày, đổi mới trưng bày, tổ chức triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền-giáo dục, xuất bản… ở trong và ngoài bảo tàng.  “Hiện vật bảo tàng nào cũng chứa đựng một văn hóa nhất định, vì thế nó là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc”[3], là trung tâm của mọi hoạt động bảo tàng, là nguồn sử liệu đầu tiên của kiến thức và có ảnh hưởng to lớn đến công trình giáo dục và nâng cao dân trí trong xã hội, tổ chức ICOM khẳng định: “Bảo tàng là một thiết chế thông tin xã hội đa chức năng được hình thành mang tính lịch sử, nhằm bảo quản những giá trị lịch sử- văn hóa và khoa học tự nhiên bằng hiện vật tích lũy và phổ cập thông tin bằng hiện vật bảo tàng nhằm tư liệu hóa các hiện tượng tự nhiên và xã hội, vì vậy bảo tàng phải kiện toàn, bảo quản nghiên cứu hiện vật sưu tầm bảo tàng và sử dụng chúng vào mục đích khoa học tuyên truyền và khai trí giáo dục”[4].

Trong thời đại của chúng ta, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, có thể cho phép sử dụng nhiều thành tựu hiện đại trong trưng bày bảo tàng, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, điều đó vẫn không thể thay thế cho hiện vật. “Những thế hệ người vốn được giáo dục bằng những phiên bản, bằng chương trình truyền hình, khi đến bảo tàng, được tiếp xúc với những hiện vật gốc, họ sẽ thấy khoái cảm, kỳ diệu”[5], bởi bảo tàng với tư cách là nơi duy nhất lưu giữ, phát huy giá trị của những tư liệu hiện vật độc nhất vô nhị, “là những phòng thí nghiệm lý tưởng cho sự trao đổi kiến thức xã hội, khoa học và văn hóa” [6]. Đó cũng chính là nguồn gốc dẫn đến mọi sự hấp dẫn đến đam mê đối với những người làm công tác bảo tàng, “những người đã tình nguyện là người lính tiên phong có nhiệm vụ đánh thức quá khứ của dân tộc”[7], nhằm phục vụ cho phát huy di sản của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống để bảo tàng hòa nhập với dòng chảy khoa học thời đại.

2. Tầm quan trọng của  công tác trưng bày hiện vật trong bảo tàng

Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam đã khẳng định: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày sưu tập về lịch sử tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”.

Trưng bày hiện vật trong bảo tàng là công việc đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng, nó không chỉ thể hiện tính khoa học, mà còn là nghệ thuật trưng bày. Do đó, trưng bày là một phương thức thể hiện kết quả lao động của người làm công tác bảo tàng, nó không chỉ phản ánh nội dung khoa học cho việc khai thác sử dụng, mà còn phải có tính thẩm mỹ, tính giáo dục, tính hấp dẫn.Thông qua công tác trưng bày, những người làm bảo tàng luôn mong muốn thể hiện một cách đầy đủ nhất, toàn diện nhất mọi vấn đề của lịch sử để đưa công chúng tiếp xúc với hiện vật gốc. Hay nói cách khác nghệ thuật trưng bày là thổi hồn vào hiện vật làm cho nó như được sống lại trong thời khắc lịch sử mà nó đã trải qua.  Khi  du khách đến với bảo tàng là người ta muốn tìm đến những kênh thông tin khách quan nhất thông qua những hiện vật và tư liệu gốc, mọi hiện vật bảo tàng đều chứng minh rằng nó gắn liền với một thời điểm, một sự việc có ý nghĩa lịch sử và gắn liền chặt chẽ với bóng dáng của con người có hiện vật đó. Hiện vật sẽ trở nên vô hồn khi nó không được xác định rõ, hoặc không làm nổi bật vai trò của con người trong bối cảnh lịch sử của nó. Từ những bộ sưu tập hiện vật, công tác bảo tàng sẽ thổi hồn cho những bộ sưu tập đó bằng những bài thuyết minh giới thiệu, qua phương tiện truyền thông, bằng các phương pháp tạo hình, dựng bối cảnh cho các hiện vật có sức sống sinh động để chuyển tải tới công chúng thông qua các cuộc trưng bày tại bảo tàng. Có thể nói rằng, bảo tàng cũng như điện ảnh, phải sử dụng tất cả các loại hình kỷ thuật và văn hóa để các giá trị phi vật thể của hiện vật hòa quyện với hình ảnh thực tại của hiện vật sẽ giúp cho khách tham quan có cái nhìn chính xác, chân thực và toàn diện về nó.

Vậy “trưng bày có thể xem như là ngôn ngữ hay hình thức thông tin cơ bản của bảo tàng, là cầu nối giữa hiện vật bảo tàng và đông đảo quần chúng nhân dân. Trưng bày bảo tàng còn phản ánh trình độ dân trí, óc thẩm mỹ, tâm lý của mỗi dân tộc”[8].  Nhà bảo tàng dù có quy mô đến mấy cũng nhỏ bé và hạn chế so với lịch sử và diện tích trưng bày lại càng hạn chế. Do đó khi sắp xếp hiện vật để đưa ra trưng bày cần hiểu sâu sắc mọi giá trị của hiện vật đó để tập trung các giải pháp thiết kế nhằm tôn vinh giá trị điển hình, giá trị chủ đạo của hiện vật đồng thời phải dễ quan sát, bảo quản. Trưng bày các hiện vật có tổ chức, có giải thích, có sự phân bổ chung phù hợp với các nội dung được xác định, cộng thêm những hình thức trưng bày đa dạng, phong phú, hấp dẫn, các giải pháp trưng bày nâng cao giá trị hiện vật thì sẽ giúp người xem có những nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về các sự kiện xã hội hay văn hóa. Bên cạnh đó, các hiện vật trưng bày phải có mối liên hệ mật thiết với nhau thuộc một nhóm hoặc một tổ hợp trưng bày để dẫn dắt người xem đến với nội dung trưng bày sâu sắc và thú vị thì sẽ đạt được mục đích mà bảo tàng hướng tới là sử dụng có hiệu quả các tài liệu - hiện vật trong việc giáo dục khoa học, đạo đức, thẩm mỹ cho công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu trên cơ sở đặc trưng và thế mạnh cơ bản của bảo tàng “là khả năng cung cấp thông tin trực quan sinh động thông qua hệ thống trưng bày các tổ hợp hiện vật gốc"[9] .

   Không chỉ đối với người thuyết minh, người làm công tác trưng bày cũng cần phải đặt tâm hồn mình vào trong chiều sâu nội dung của hiện vật để từ đó tìm tòi, suy nghĩ cách trưng bày rung động nhất để tạo cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ và thiêng liêng khi ở gần bên những hiện vật chứa đựng những câu chuyện phong phú và hấp dẫn. “Một cuộc tiếp xúc đơn giản với hiện vật trên trưng bày có thể làm phong phú đời sống, đạo đức và phản ảnh những tranh luận về các yếu tố của đời sống hiện đại”[10]. Như Lê-nin cũng đã từng chỉ ra rằng: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý”[11], theo đó rõ ràng phía bảo tàng có lợi thế hơn trong việc hình thành các chân lý khoa học, “là trường học thích hợp với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội và nghề nghiệp”[12]. Từ những nghiên cứu khách tham quan về việc học tập của công chúng trong bảo tàng, vận dụng những lý thuyết về giáo dục, một nhà giáo dục bảo tàng ở Đại học Leicester (Anh), GS. Eilean Hooper-Greenhill đã đưa ra nhận xét tinh tế về vai trò giáo dục của bảo tàng như sau: "… Vai trò giáo dục của bảo tàng được hiểu rộng rãi hơn, bao gồm trưng bày, sắp đặt, sự kiện và học tập. Vì vậy, công việc của những người làm công tác giáo dục bảo tàng cũng tăng lên theo bao gồm cả việc phát triển trưng bày, tiến hành nghiên cứu khách tham quan, tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục.”.[13]

Do đó, để thu hút khách tham quan, đối với bảo tàng, điều quan trọng nhất là phải có những ý tưởng sáng tạo trong nội dung chủ đề trưng bày để cùng với hiện vật gốc mang rõ nét văn hóa đặc sắc của từng địa phương. Trong tổ hợp các đề tài trưng bày, bảo tàng cần lựa chọn đưa ra những hiện vật thật tiêu biểu, để mỗi bảo tàng có được nét hấp dẫn riêng và giúp các bảo tàng khỏi tình trạng trùng lắp trưng bày với các bảo tàng khác. Bởi cái đọng nhất, nhớ nhất của khách tham quan khi đến bảo tàng là thấy được một hiện vật mà không nơi nào có mà chỉ ở bảo tàng đó mới có.Thông qua các hiện vật trưng bày, là những vật chứng, chứng tích còn lưu lại và đang được trân trọng giữ gìn tại bảo tàng, là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về tổ tiên, về cội nguồn, qua đó giúp người dân có ý thức coi trọng giữ gìn, bảo tồn những giá trị truyền thống cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển hoạt động du lịch đồng thời qua đó cũng có sự sáng tạo độc đáo hơn về một thế giới khoa học mới để hướng tới chân thiện mỹ hơn.

3. Ứng dụng công nghệ vào việc phát huy giá trị hiện vật trong kho cơ sở để đưa bảo tàng đến với công chúng.

Bảo tàng không chỉ trưng bày hiện vật của quá khứ, mà bao gồm sự kết nối giữa quá khứ và hiện đại, sự tương tác giữa hiện vật với khách tham quan. Thông qua hiện vật, công chúng có thể hoài niệm lại cuộc sống của một thời đã qua với mong muốn chọn lọc kế thừa những điểm sáng, những nét nhân văn của thời quá khứ để hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa hơn trong hiện tại và tương lai. Roy Strong- Giám đốc bảo tàng Victoria London đã nói: “Bảo tàng là cái cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Bảo tàng không phải là những cái hầm mộ cho hiện vật chết và cũng không phải là nơi dành cho các vị giàu có sùng bái nghệ thuật. Nhiệm vụ của Bảo tàng là phải phản ánh sự sáng tạo đương thời, chứ không phải chỉ tự giới hạn trong việc trình bày lịch sử các nền nghệ thuật…”[14].

Nếu như  bảo tàng sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, nhưng không có hoạt động để trưng bày tuyên truyền, tài liệu hiện vật chỉ được bảo quản trong kho lưu trữ thì không thể phát huy được giá trị đích thực của nó trong đời sống xã hội và không phát huy được giá trị ẩn chứa trong di sản, nguy cơ di sản sẽ bị lãng quên dần, chỉ khi giá trị được phát huy thì di sản mới tồn tại lâu dài. Vì vậy để cho hiện vật phát huy được hiệu quả, không để cho nó chết thì không có con đường nào khác là phải công bố, giới thiệu chúng bằng nhiều phương pháp khác nhau là con đường tất yếu cho sự tồn tại, sự sống của mỗi bảo tàng.

Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và phổ biến như hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng sẽ góp phần tạo ra cơ hội mới cho các bảo tàng để hấp dẫn du khách, để bảo tàng trở thành niềm tự hào của mỗi người dân, không chỉ là kho tàng chứa đựng các giá trị văn hóa nghệ thuật mà còn góp phần phát triển kinh tế, du lịch của quốc gia.Trong lĩnh vực di sản văn hóa, Thủ tướng Chính phủ  đã phê duyệt “ Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6/5/2009) với các nội dụng cụ thể như: “Ứng dụng một cách hợp lý và có hiệu quả các thành tựu khoa học kỷ thuật và công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thông tin tư liệu bảo tàng; nối mạng từ bảo tàng Trung ương đến địa phương. Chú trọng tính khoa học, tính hệ thống trong việc xây dựng “ngân hàng dữ liệu” về tài liệu, hiện vật bảo tàng...”

Năm 2004, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin hiện vật trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là trang thông tin chung về hiện vật, chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ tập hợp được phần nào nội dung thông tin hiện vật. Khi xã hội ngày càng phát triển thì việc đưa công nghệ thông tin vào mọi hoạt động là điều tất yếu. Do đó, bảo tàng xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu tập trung phục vụ cho công tác kiểm kê, bảo quản và đặc biệt phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày khai thác tư liệu hiện vật được thuận tiện; kết nối mạng cho các phòng đều có thể khai thác được tài liệu của kho trong những điều kiện được phép từ những tư liệu và hình ảnh đã được số hóa trong công tác kiểm kê. Điều này sẽ giúp các bộ phận khác có điều kiện chủ động về thời gian để khai thác hiện vật.

Việc ứng dụng công nghệ trong các công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của hiện vật là việc cần thiết phải đầu tư của các bảo tàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động. Ứng dụng công nghệ hiện đại cũng chính là một công cụ để liên kết giữa các bảo tàng và giữa bảo tàng với công chúng, là công cụ quan trọng nhằm truyền tải thông điệp của các bảo tàng để thu hút khách tham quan.Công nghệ sẽ giúp chúng ta thể hiện thông tin đầy đủ nhất, nhiều thuận lợi nhất trong phương thức khai thác thông tin về một hiện vật. Các hiện vật tại bảo tàng đang được bảo tồn trong kho cần phát huy giá trị lịch sử văn hóa thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và giới thiệu. Thông qua mạng Internet các tổ chức cá nhân không có điều kiện đến tham quan trực tiếp tại bảo tàng thì có thể nghiên cứu, tham khảo, tra cứu, tham quan… trên trang thông tin điện tử Website. Lúc đó Website bảo tàng thực sự trở thành cầu nối thông tin đa kênh đến tất cả mọi người, có khả năng giới thiệu rộng rãi, vượt ra khỏi không gian của bảo tàng, mang lại những lợi ích bền vững cho việc phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trong hiện vật đã được số hóa đồng thời tạo nên môi trường làm việc mang tính chất hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân, đơn vị, với các chức năng nghiệp vụ khác nhau.

Thực tế cho thấy, những công nghệ mới phù hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật của bảo tàng sẽ góp phần mang lại lợi ích bền vững nhằm phát huy giá trị hiện vật, tăng cường giới thiệu hiện vật và thông tin trên internet, qua đó, số lượng khách tiếp cận hiện vật ngày càng tăng. Nhờ đó, bảo tàng tiếp cận nhiều nhóm đối tượng mới, tăng cường giới thiệu bảo tàng và gắn kết với cộng đồng qua mạng xã hội. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng sẽ góp phần tạo ra cơ hội mới cho các bảo tàng từ nội dung tới hình thức để hấp dẫn du khách.

Tại thời điểm này có thể nói, xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát huy giá trị hiện vật là xu hướng tất yếu, nếu không các bảo tàng sẽ bỏ lỡ một kênh quan trọng để chuyển tải thông điệp của bảo tàng đến với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi, nhóm công chúng quan trọng của bảo tàng. Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức lớn bởi nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng ngày càng cao đòi hỏi bảo tàng phải nổ lực không ngừng trong công cuộc làm mới và chuyên nghiệp bản thân để có được hiệu quả bền vững .

 

 

 

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Tập 12, trang 6

[2] Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Sưu tập hiện vật Bảo tàng. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1994, trang 47.

[3] Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.Sự nghiệp bảo tàng- những vấn đề cấp thiết. Tập 3. Nhà xuất bảo Lao động, 1997, trang 51

[4]  Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Sưu tập hiện vật Bảo tàng. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1994, trang 51.

[5] Nguyễn Văn Huy và Nguyễn Thu Hương. Bài “ Vai trò giáo dục của bảo tàng: Chấm dứt bài những thuyết minh một chiều”. Ấn phẩm báo Khoa học và phát triển, tháng 9 năm 2018.

[6] Gary Edson, David Dean, Cẩm nang bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam,trang 408, Hà Nội, 2001

[7]   Bảo tàng Cách mạng Việt Nam .Sự nghiệp Bảo tàng-những vấn đề cấp thiết. Tập 2.  Nhà xuất bản lao động 1996, trang 268.

[8] Nguyễn Hoàng Hưng. Nghệ thuật trưng bày bảo tàng ở Việt Nam. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 384, tháng 6 năm 2016

[9] Đặng Văn Bài, “Nhận thức về chức năng giáo dục của bảo tàng”, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội, 2005, tr. 203-210.

[10] TS Susan Bayly. Nhìn qua hiện vật-một cách tiếp cận giáo dục tiên phong tại các bảo tàng và di tích Việt Nam. Tap chí Thế giới Di sản, số 10 năm 2012.

[11] V.I. Lê Nin (1976), Bút ký Triết  học, NXB Sự Thật, HN, tr 189

[12] Nguyễn Văn Huy, “Góp phần giữ gìn và phát triển sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc nhìn từ góc độ của loại hình bảo tàng Dân tộc học", Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, T.1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr. 45-62.

[13] Nguyễn Văn Huy và Nguyễn Thu Hương. Bài “ Vai trò giáo dục của bảo tàng: Chấm dứt bài những thuyết minh một chiều”. Ấn phẩm báo Khoa học và phát triển, tháng 9 năm 2018.

[14] Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp Bảo tàng, những vấn đề cấp thiết, trang 62, Hà nội 1996.

Nguyễn Thị Ngọc Yến
HTKH "Đổi mới trưng bày Bảo tàng và Di tích trong giai đoạn hiện nay" 11/2018