Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Đổi mới trưng bày - Suy nghĩ của những người trong cuộc
26/08/2021
Đọc bài viết:
Đổi mới trưng bày Bảo tàng không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập tới từ lâu và đặc biệt là những năm gần đây trở nên cấp thiết hơn. Từ những năm 90 của Thế kỷ XX, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) được các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ đã có một hệ thống trưng bày hiện đại bậc nhất Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học đã mở đầu cho xu hướng trưng bày với hướng tiếp cận và giải pháp trưng bày mới, tạo ra một không gian trưng bày sinh động, không phải kiểu trưng bày minh họa cho lịch sử mà hiện vật bước ra từ lịch sử và kể câu chuyện của mình làm cho lịch sử, văn hóa, con người đến với công chúng một cách chân thực nhất. Sau đó là các Bảo tàng quốc gia như Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… từng bước trăn trở, đổi mới mình để trở thành những bảo tàng thu hút khách hàng đầu ở Việt Nam.
ThS. Lê Thùy Chi - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế báo cáo tham luận
ThS. Lê Thùy Chi - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế báo cáo tham luận

Tuy nhiên, việc đổi mới trưng bày ở các Bảo tàng quốc gia trở nên mạnh mẽ, và từng bước thu được hiệu quả thì ở các Bảo tàng ở cấp Tỉnh vì nhiều lý do vẫn chậm đổi mới, chưa thu hút nhiều khách tham quan. Khi đi tìm nguyên nhân cho sự vắng khách ở các Bảo tàng, ngoài các nguyên nhân như công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa chủ động tiếp cận khách tham quan thì nguyên nhân mấu chốt vẫn là công tác trưng bày Bảo tàng, đó là sự đơn điệu, giống nhau về thủ pháp nghệ thuật, về nội dung lịch sử, thiếu vắng các thiết bị hỗ trợ thông tin, và ở đâu đó sự xuống cấp của hệ thống trưng bày vì không đủ kinh phí để duy trì.

Vấn đề đổi mới trưng bày ở các Bảo tàng cấp tỉnh cũng đã được một số địa phương giải quyết, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắc Lăk, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị… là tiên phong, tuy nhiên các Bảo tàng địa phương với quy mô trưng bày hiện đại như các bảo tàng trên chưa nhiều, việc đổi mới trưng bày ngày nay trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để các thiết chế Bảo tàng ở các tỉnh thực sự đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Toàn cảnh Hội thảo "Đổi mới công tác trưng bày bảo tàng và di tích trong giai đoạn hiện nay"

Là những người đã công tác trong ngành bảo tàng nhiều năm, có nhiều gắn bó với công tác nghiệp vụ của bảo tàng nói chung, của bảo tàng Hồ Chí Minh nói riêng, chúng tôi có một vài suy nghĩ về công tác đổi mới trưng bày, đặc biệt chú trọng riêng về hệ thống trưng bày của bảo tàng Hồ Chí Minh: Hiện trạng, hướng tiếp cận, các giải pháp.

* Hiện trạng các bảo tàng lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay:

Hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có 13 đơn vị, nhưng chỉ có 07 Bảo tàng còn lại là các đơn vị quản lý di tích. Nói riêng về hệ thống Bảo tàng, ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) là Bảo tàng đầu hệ, các Bảo tàng ở các địa phương là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế, chi nhánh Quân khu V, chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, chi nhánh Bình Thuận, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đều là bảo tàng hạng 2 trực thuộc tỉnh và quân khu.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thành lập năm 1980, xây dựng lại năm 2000, chỉnh lý năm 2008, 2016, là nơi trưng bày 08 chủ đề về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật hai nội dung chủ yếu: “Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế”, “Thừa Thiên Huế với Bác Hồ và Bác Hồ với Thừa Thiên Huế”. Hệ thống trưng bày giới thiệu gần 1000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu các loại, được phân bổ trên diện tích sàn trưng bày 600m2. Sau khi chỉnh lý năm 2016, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã áp dụng một số giải pháp đổi mới trưng bày như: hệ thống thông tin cho các tư liệu, hiện vật (bản text truyện kể, giới thiệu), tăng cường các hiện vật gốc trong trưng bày; màu sắc đai, hình ảnh được đổi mới, trang thiết bị được bổ sung như ti vi LCD màn hình phẳng, âm thanh ở các tổ hợp, máy hút ẩm, hệ thống chiếu sáng trưng bày thay đèn sợi đốt bằng đèn led.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh quân khu V với 4 phòng trưng bày với diện tích trưng bày 700 m2 gồm 08 chủ đề với nhiều hình ảnh, hiện vật và tài liệu khoa học phụ đã khái quát được toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân nhân văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt Bảo tàng có trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ khu 5 đối với Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với đồng bào và chiến sĩ khu 5.    

Ngoài Nhà trưng bày còn có Khu nhà Sàn Bác Hồ và vườn cây, ao cá. Sau năm 1975 Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 12/9/1976 thể theo nguyện vọng, tình cảm của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ Khu 5 đối với Bác Hồ kính yêu, khu nhà sàn được xây dựng theo đúng tỉ lệ 1/1 (giống như nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội) tại trung tầm thành phố Đà Nẵng, bên ngoài là vườn cây, ao cá … đã tạo ra một không gian vừa thiêng liêng vừa gần gũi, ấm áp hơi thở của Người.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận được thành lập vào ngày 19/5/1986, bao gồm quần thể di tích trải rộng trên diện tích gần 10.000m2 với lối kiến trúc kết hợp giữa văn hoá truyền thống và hiện đại. Ngoài di tích trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận còn trưng bày 08 chủ đề chính về tiểu sử – sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có giai đoạn Bác Hồ dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh – Phan Thiết và những thành tựu của Đảng bộ  và nhân dân Bình Thuận đã đạt được thông qua việc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long là công trình văn hoá lớn của các lực lượng vũ trang Quân khu IX và của nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khánh thành ngày 19/5/1990 nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày 08 chủ đề, thể hiện những nét chính trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Người đối với miền Nam và miền Nam đối với Người.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh: Thành lập ngày 30/10/1995, trên cơ sở Khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích Bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Bảo tàng trưng bày các chủ đề về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum: Bảo tàng được khởi công xây dựng từ ngày 2/9/1982 tại khu vực trung tâm thành phố Pleiku. Nhà được xây dựng kiên cố, có cấu trúc giống như nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc với những nét hoa văn đẹp và thoáng. Công trình được đưa vào sử dụng từ năm 1984. Năm 2014, quần thể khu Bảo tàng đã được chỉnh lý trưng bày cả về nội dung, mỹ thuật đã tạo ra diện mạo riêng, mang đậm nét sắc thái của Tây Nguyên. Phần trưng bày giới thiệu 08 chủ đề trong thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm của Người đối với Tây Nguyên, tình cảm sâu nặng của đồng bào các dân tộc Gia Lai và Kon Tum đối với Người và quyết tâm của đồng bào các dân tộc Gia Lai và Kon Tum đi theo con đường của Người đã lựa chọn.

Các Bảo tàng lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở địa phương tuy đã được chỉnh lý nhiều lần, như Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh phố Hồ Chí Minh đã tích cực đổi mới trưng bày, bổ sung các chuyên đề, trưng bày thêm nhiều hiện vật gốc, đổi mới chất liệu, hình thức mỹ thuật trưng bày; Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã cập nhật đưa các thông tin về tư liệu hiện vật lên đai trưng bày, khai thác nhiều nội dung truyện kể của hiện vật làm cho hệ thống trưng bày sống động hơn, bổ sung các thiết bị phục vụ trưng bày; Bảo tàng chi nhánh Gia Lai và Kon Tum chú trọng đổi mới tạo ra nét riêng mang sắc thái Tây Nguyên… Tuy nhiên, các Bảo tàng vẫn chưa thực sư đổi mới trưng bày một cách toàn diện, sâu sắc, tạo bước đột phá từ nội dung, trang thiết bị đến mỹ thuật trưng bày. Tại Hội thảo này, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề trong trưng bày cố định tại các bảo tàng lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương như sau:

Về nội dung:

Trong nội dung trưng bày tại các Bảo tàng Hồ Chí Minh cơ bản đều tuân thủ theo 08 chủ đề về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị phê duyệt, bao gồm:

1. Thời niên thiếu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh bước đầu hoạt động yêu nước (1890 - 1911)

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn (1911 - 1920).

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh, bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (1920 - 1924)

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam

5. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc và cách mạng Tháng Tám, sáng lập Nhà nước dân chủ nhân dân (1930 - 1945)

6. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và tiến hành kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.

7. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam (1954 - 1969)

8. Nhân dân Việt Nam mãi mãi đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Trong đó lồng ghép phần lịch sử tại địa phương theo các chủ đề đã được định sẵn, ví dụ ở Thừa Thiên Huế sẽ lồng ghép nội dung: Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ; ở Bảo tàng Gia Lai và Kon Tum là sự quan tâm của Người đối với Tây Nguyên, tình cảm sâu nặng của đồng bào các dân tộc Gia Lai và Kon Tum đối với Người và quyết tâm của đồng bào các dân tộc Gia Lai và Kon Tum đi theo con đường của Người đã lựa chọn….

Với cách xây dựng nội dung như trên các Bảo tàng Hồ Chí Minh ở địa phương sẽ gặp một số hạn chế:

- Cách tiếp cận nội dung theo 08 chủ đề để tổ chức trưng bày bị trùng lặp, giống nhau ở các bảo tàng;

- Hiện vật gốc về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu như không có nên phải trưng bày hiện vật phục chế, hiện vật đồng thời;

- Ở một số mảng trưng bày bị trùng lặp với bảo tàng lịch sử cách mạng tại địa phương;

- Các bộ sưu tập hiện vật không được trưng bày một cách tập trung mà trưng bày đơn lẻ trong 08 chủ đề.

- Nét đặc trưng riêng vùng miền ở các Bảo tàng còn mờ nhạt;

- Vai trò của nhân chứng, người trong cuộc, những nhà nghiên cứu uy tín trong trưng bày còn thiếu;

- Hệ thống trưng bày cố định ít được bổ sung, đổi mới;

- Không gian tương tác với công chúng hầu như không có: Ở các Bảo tàng đều chưa tổ chức được phòng khám phá, các hoạt động giáo dục chưa đa dạng, hấp dẫn….

Về trang thiết bị phục vụ trưng bày:

Trang thiết bị để phục vụ trưng bày hầu như chưa đạt chuẩn. Tủ trưng bày hiện vật thiếu thiết bị hút ẩm, kiểm soát nhiệt độ; hệ thống bục bệ trưng bày hiện vật chưa được bọc vải free acide; trong toàn bộ hệ thống trưng bày, trang bị các thiết bị hút ẩm, thông gió còn thiếu, chưa tạo sự thoáng khí đảm bảo độ bền cho tư liệu, hiện vật.

Các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ trưng bày như: Hệ thống hướng dẫn tham quan tự động, hệ thống màn hình cảm ứng cung cấp thông tin cho khách tham quan chưa được đầu tư đầy đủ.

Chưa đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại có tính tương tác cao trong trưng bày như công nghệ in 3D tạo ra những hiện vật mô phỏng để người xem có thể cầm nắn tạo cảm giác chân thực trong trưng bày; công nghệ thực tế ảo 3D để du khách trải nghiệm vào không gian tái tạo….

Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đã được trang bị hệ thống ánh sáng led chiếu điểm phù hợp với trưng bày Bảo tàng, nhưng chỉ là mang tính chất chiếu sáng, chiếu điểm đơn thuần, chưa chi tiết, cụ thể về cường độ sáng, các loại ánh sáng cho từng hiện vật hoặc từng mảng trưng bày.

Chưa có đường lên xuống, tay vịn, thiết bị âm thanh, chữ nổi… phục vụ cho người khuyết tật tham quan Bảo tàng.

Về mỹ thuật:

Các Bảo tàng Hồ Chí Minh ở địa phương đều được xây dựng trước năm 2000, một vài Bảo tàng đã được chỉnh lý, thay đổi chất liệu đai, ảnh bền vững hơn, tuy nhiên,  đa phần các vật liệu phục vụ cho việc xây dựng hệ thống đai đố, các tổ hợp mỹ thuật chưa đảm bảo độ bền, thẩm mỹ cao, công nghệ in ấn chưa phong phú, chất lượng….

Các motip về mỹ thuật tương đối giống nhau, có quá nhiều tổ hợp mỹ thuật để bù đắp những thiếu vắng về hiện vật;

Cách thiết kế đồ họa về câu trích, chú thích, mảng đai, màu sắc… chưa hỗ trợ nhiều cho tư liệu, hiện vật, các thiết kế còn mang nặng cảm tính, chưa có sự đo lường chính xác trong khoa học thiết kế trưng bày.

Ngoài các tổ hợp không gian hình tượng các đai vách còn lại thiết kế đơn giản, trưng bày theo trình tự biên niên từ trên xuống dưới từ trái qua phải, các hiện vật được bỏ tủ phía dưới đai trưng bày.

Trên cơ sở những bất cập của hệ thống trưng bày lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương, chúng tôi xin đưa ra một số vấn đề trao đổi về hướng tiếp cận và giải pháp như sau:

- Đổi mới từ cách tiếp cận để xây dựng nội dung trưng bày:

Trưng bày chính là nơi hình ảnh của bảo tàng được xây dựng và củng cố. Chính vì vậy khi tiếp cận nội dung để đổi mới trưng bày, chúng ta phải thỏa mãn được các yếu tố: lịch sử, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, thẩm mỹ và cộng đồng, trong đó vai trò của cộng đồng chính là yếu tố quan trọng để định hướng xây dựng một trưng bày bảo tàng thu hút người xem.

Trước khi bắt tay vào xây dựng nội dung, chúng ta phải trả lời được các câu hỏi: Bảo tàng chúng ta coi trọng điều gì? Tầm nhìn của bảo tàng chúng ta là gì? Điểm mạnh của bảo tàng chúng ta là gì? Điều gì cần phải cải thiện? Những ai sẽ đến thăm bảo tàng? Mọi người sẽ nói gì về bảo tàng của chúng ta và cuối cùng chúng ta lắng nghe ý kiến của họ như thế nào?

Đối với các Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh hiện nay, hệ thống trưng bày  vẫn chủ yếu theo quan điểm truyền thống, cơ bản dựa vào ý chí của người làm bảo tàng, khi trưng bày vẫn chủ yếu dựa theo biên niên thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương. Chính vì vậy, muốn đổi mới trưng bày cần phải thay đổi tư duy khi xây dựng nội dung trưng bày, định hướng tiếp cận để phát triển nội dung theo biên niên lịch sử kết hợp với tiếp cận theo nhân học, văn hóa học, xã hội học… từ đó xâu chuỗi thành một hệ thống trưng bày đa chiều, phản ánh sâu sắc về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trên phương diện là một lãnh tụ mà còn là một nhà văn hóa lớn.

Trên hướng tiếp cận như vậy, khi xây dựng nội dung cần phải xây dựng được một thông điệp rõ ràng; các chủ đề trưng bày được cân nhắc, chọn lọc kỹ càng từ tên của chủ đề, tư liệu, hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện, từ đó hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa sâu sắc trong bản sắc văn hóa, tình cảm của nhân dân từng vùng miền, trong đó đề cao tiếng nói của các nhân chứng lịch sử, chủ nhân của hiện vật, để nội dung trưng bày sống động, chân thực hơn.

- Đổi mới nội dung trưng bày từ hướng tiếp cận hiện vật:

Trước khi đổi mới trưng bày, yêu cầu về tiếp cận hiện vật, thông tin về hiện vật, lên danh mục, đánh giá khả năng trưng bày là yêu cầu bắt buộc. Các bảo tàng Hồ Chí Minh ở địa phương đều có một quá trình nghiên cứu, sưu tầm lâu dài, hình thành nhiều bộ sưu tập hiện vật đặc sắc. Trên cơ sở các hiện vật gốc lưu tại kho cơ sở của các Bảo tàng để phát triển thành các ý tưởng trưng bày đặc trưng riêng có của Bảo tàng mình so với các Bảo tàng khác trong hệ thống chi nhánh, vừa đảm bảo yêu cầu về trưng bày thân thế - sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa phát huy được các hiện vật gốc và các câu chuyện lịch sử của hiện vật để kể câu chuyện về danh nhân Hồ Chí Minh, không chỉ với biên niên khô cứng mà là câu chuyện đậm chất nhân văn về một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước cũng như có sức lan tỏa tình cảm mãnh liệt trong nhân dân qua nhiều thế hệ.

Nếu nghiên cứu về kho hiện vật ở các Bảo tàng Hồ Chí Minh địa phương, cụ thể ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chúng ta sẽ nhận thấy: Nhóm hiện vật gốc liên quan trực tiếp đến thân thế - sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng làm việc, bút tích gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh….) hầu như không có; nhưng ở các Bảo tàng ở địa phương lại có rất nhiều nhóm hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, như nhóm hiện vật là quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời; nhóm hiện vật thể hiện tình cảm của nhân dân với Bác Hồ; nhóm hiện vật đồng thời về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhóm hiện vật gốc liên quan đến những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bộ sưu tập nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh; văn hóa phi vật thể: lời kể nhân chứng được gặp Bác Hồ; thơ ca, hò vè dân gian; lễ hội (nghi lễ phục dựng mang họ Hồ của đồng bào A Lưới)….

Để phục vụ cho đổi mới trưng bày, trong kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có thể tiếp cận nhiều hiện vật, về văn hóa phi vật thể có thể trưng bày các nội dung:

Trưng bày về "Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tâm thức của người dân xứ Huế qua ca dao, hò vè", trong phần trưng bày này ngoài tư liệu, hiện vật có thể xây dựng phim về việc sưu tầm ca dao, hò vè trong dân gian; hình thức diễn xướng trong cộng đồng; hay chính những người dân chân chất kể về câu chuyện về những câu ca truyền miệng trong dân gian.

Ở Thừa Thiên Huế còn có một sự kiện độc đáo và thiêng liêng đó là đồng bào dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế lấy họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là họ của mình. Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh có nhiều hiện vật liên quan đến những người con họ Hồ ở A Lưới, Thừa Thiên Huế, đồng thời ở Thừa Thiên Huế còn phục dựng nghi lễ đặt tên lấy họ Hồ của dân tộc Tà Ôi. Nếu có thể tái hiện nghi lễ này bằng các thước phim hoặc trưng bày phục dựng thì sẽ là phần trưng bày độc đáo ở bảo tàng Huế.

Về những người con Thừa Thiên Huế được gặp Bác Hồ, ngoài những hình ảnh, hiện vật như ảnh chụp chung với Bác, quà tặng của Bác, hình ảnh của Bác mà nhân chứng gìn giữ có thể xây dựng những thước phim về những nhân chứng được gặp Bác Hồ, trực tiếp nghe họ kể những câu chuyện cảm động về Bác Hồ lúc sinh thời.

Trong những di sản vật thể về Bác Hồ, ở Thừa Thiên Huế còn lưu giữ những hình ảnh về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (khoảng 50 bức) trên báo chí cách mạng Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ, những bức chân dung này như nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đánh giá "Một điều đặc biệt, những bức chân dung Bác Hồ đều là những tác phẩm mỹ thuật xuất sắc, được các họa sĩ vẽ vào những hoàn cảnh lịch sử khác nhau để kỷ niệm ngày sinh nhật Bác hoặc là nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng. Theo nghiên cứu, chúng tôi biết rằng nhiều họa sĩ khi vẽ chỉ mới nghe qua lời miêu tả của những người đã được gặp Bác, hoặc qua một vài bức ảnh nhỏ khá hiếm hoi vào thời điểm đó. Bằng tài năng, trí tưởng tượng và cảm xúc của tâm hồn các họa sĩ đã rất thành công về mặt mỹ thuật và tư tưởng khi vẽ Bác Hồ!". Có thể nói đây không chỉ là những tác phẩm mỹ thuật mà qua đó nói về sự chung thủy, ý chí sắt đá, một lòng một dạ của cán bộ nhân dân Thừa Thiên Huế trong những năm tháng khó khăn gian khổ vẫn luôn tin tưởng đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ. Những bức vẽ quý giá này, cùng với câu chuyện lịch sử sẽ là mảng trưng bày đặc biệt khi phản ánh về nội dung Bác Hồ trong lòng nhân dân Thừa Thiên Huế.

Có những hiện vật đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức trưng bày như sưu tập hiện vật về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Thừa Thiên Huế bí mật lưu giữ qua hai cuộc kháng chiến, những hiện vật này bao gồm những bức ảnh chân dung, phù điêu, tiền có hình ảnh Bác Hồ… thể hiện tình cảm thiêng liêng của  nhân dân Thừa Thiên Huế với Bác Hồ vượt qua sự cấm đoán, truy lùng gắt gao của kẻ thù. Những hiện vật này đã được trưng bày cùng với những câu chuyện lịch sử thấm đẫm tính nhân văn nhưng do sự hạn chế của hệ thống trưng bày các hiện vật được trưng bày rải rác theo các chủ đề (biên niên) nên chưa tạo được hiệu quả cao về cảm xúc để thu hút khách tham quan.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ cho việc các bảo tàng chưa thực sự tiếp cận khai thác hết các tư liệu hiện vật tại Bảo tàng. Xây dựng ý tưởng trưng bày từ các hiện vật gốc lưu tại các Bảo tàng chính là tạo được sức sống lâu bền cho các thiết chế Bảo tàng trong giai đoạn hiện nay.

- Đổi mới nội dung trưng bày từ yêu cầu đối với công tác sưu tầm:

Trong quá trình tiếp cận tư liệu, hiện vật để phục vụ công tác trưng bày, trong kho cơ sở của các Bảo tàng ở địa phương thường nảy sinh trường hợp: Nhiều hiện vật trong lý lịch ghi chép sơ sài, không phản ánh đúng tầm vóc lịch sử, các câu chuyện lịch sử liên quan, quá trình di biến của hiện vật; hoặc có những hiện vật lý lịch được ghi chép mang nặng tính chủ quan của người đi sưu tầm, khiên cưỡng đó là những điều bất lợi trong quá trình phát triển ý tưởng, xây dựng nội dung trưng bày.

Chính từ những bất cập đó, để phục vụ tốt cho công tác đổi mới trưng bày ngay từ khi sưu tầm, các cán bộ sưu tầm phải xác định rõ mục tiêu và định hướng sưu tầm để tiến hành các bước tiếp cận, phỏng vấn, ghi chép, đối chứng; áp dụng các thiết bị công nghệ phục vụ cho công tác sưu tầm như quay phim, chụp ảnh, ghi âm; đảm bảo sự tỉ mỉ, chi tiết, trung thực trong lý lịch, hộ chiếu của hiện vật.

Hiện nay, việc sưu tầm các hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hai cuộc kháng chiến ngày càng trở nên khó khăn do đã được khai thác nhiều. Các Bảo tàng chú trọng đầu tư sưu tầm theo chiều sâu, nếu có hiện vật có giá trị có thể phải trao đổi, mua bán. Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế hiện đang tiếp nhận thông tin về hiện vật quý như Phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm sáng tác năm 1946, đang được một nhà sưu tập lưu giữ; bức tranh Bác Hồ đi công tác khảm sành sứ do cố nghệ nhân Cửu Lập sáng tác, là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị đang được gia đình lưu giữ tại phòng trưng bày của gia đình, Bảo tàng đang tìm hướng tiếp cận để sưu tầm. Ngoài ra, còn phải mở rộng nội dung sưu tầm gắn với những hiện vật đương đại như những bài hát sáng tác chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thừa Thiên Huế (bản nhạc và bản phối), các tác phẩm nghệ thuật (tranh, tượng, phù điêu…) sáng tác về đề tài Bác Hồ, các tác phẩm gắn với nghề thủ công truyền thống…

Đồng thời, thông qua quá trình sưu tầm tư liệu hiện vật, các quan điểm, mong muốn của các cá nhân trong cộng đồng về một Bảo tàng phục vụ công chúng cũng được ghi chép lại để phục vụ cho công tác trưng bày.

- Đổi mới trong thiết kế mỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày:

Trong quá trình chỉnh lý trưng bày ở các Bảo tàng địa phương, do không đủ điều kiện về kinh phí nên thường chỉ sửa chữa, chỉnh lý một vài chủ đề, một vài tổ hợp… chính vì vậy, khi đưa yêu cầu đổi mới nếu làm không cẩn trọng sẽ làm hỏng tư duy logic về nội dung và mỹ thuật trong toàn bộ hệ thống trưng bày.

Để các Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các địa phương thực sự đổi mới, khâu thiết kế, đồ họa, ứng dụng công nghệ phải được làm đồng bộ trong toàn tuyến trưng bày, với cách tiếp cận nội dung mới, lấy hiện vật và thông tin về hiện vật làm trung tâm, thiết kế trưng bày phải được thực hiện một cách khoa học, đảm bảo lợi ích của người xem (độ cao tủ, đai trưng bày vừa tầm, chữ chú thích rõ ràng, ánh sáng trưng bày đảm bảo quan sát tư liệu hiện vật, phục vụ cho cả người khuyết tật…). Ý tưởng trưng bày và chất lượng thẩm mỹ phải phù hợp với nội dung, dẫn dắt nội dung trưng bày, tôn vinh hiện vật vừa định hướng thẩm mỹ cho người xem, phù hợp với văn hóa địa phương.

Trong thiết kế mỹ thuật trưng bày tại Bảo tàng lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương đặt ra các yêu cầu đổi mới:

- Kết hợp nhuần nhuyễn các hình thức nghệ thuật trưng bày Bảo tàng, để thổi hồn vào hiện vật làm cho nó như được sống lại trong thời khắc lịch sử mà nó đã trải qua.

- Áp dụng các hình thức nghệ thuật trưng bày trên cơ sở các sưu tập hiện vật có sẵn đã được nghiên cứu, thẩm định, bảo quản theo nguyên tắc Bảo tàng; tránh việc sử dụng các hình tượng mỹ thuật thay thế cho hiện vật trưng bày;

- Trên các diện, thể hiện ngôn ngữ trưng bày khoa học, hợp lý, chuyển tải thông điệp đến người xem mạch lạc, đi từ khái quát đến chi tiết, cung cấp thông tin phong phú, thuyết phục cho người xem.

- Mắc sắc, biểu tượng dùng trong các thiết kế làm nổi bật văn hóa địa phương.

- Chất lượng các vật liệu dùng trong thiết kế trưng bày phải có độ bền, đẹp, dễ tạo hình mỹ thuật.

- Thiết kế không gian tương tác với khách tham quan.

Cùng với việc đổi mới trong thiết kế, đồ họa, nhu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày để hỗ trợ chuyển tải các thông điệp của bảo tàng đến với khách tham quan, tạo sự sinh động, hấp dẫn trong nội dung trưng bày ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết. Khách tham quan đến với Bảo tàng không chỉ xem và nghe về nội dung trưng bày mà bản thân họ muốn được khám phá, trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động của bảo tàng.

Các Bảo tàng có thể mô phỏng các hiện vật bằng phương pháp in 3D để khách tham quan có thể dễ dàng tiếp cận với hiện vật. Hay tạo không gian ảo để người xem tương tác với câu chuyện lịch sử: Tái tạo không gian ảo về quang cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. 1945; Tái hiện một lớp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Quốc Học những năm đầu thế kỷ XX….

Ngoài ra cần đầu tư các thiết bị công nghệ nhằm hỗ trợ thông tin cho khách tham quan như hệ thống hướng dẫn tham quan tự động, hệ thống thông tin bằng màn hình cảm ứng cung cấp đầy đủ thống tin cho khách tham quan về các tư liệu, hiện vật đang trưng bày qua tương tác với người dùng.

- Đổi mới trưng bày và yêu cầu đổi với kinh phí đầu tư:

Có thể nói, đổi mới trưng bày dưới góc độ nội dung những người làm công tác bảo tàng ở địa phương có thể từng bước thực hiện được trên cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm, học hỏi và sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành…. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng đổi mới trưng bày vào thực tế đó là nguồn kinh phí đầu tư. Với nguồn kinh phí ngân sách quá ít trong khi đó yêu cầu về đổi mới lại đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ từ nội dung, mỹ thuật đến thiết bị. Hiện nay, để phục vụ đổi mới trưng bày có nhiều công nghệ hiện đại, thiết bị đạt chuẩn giá thành tương đối cao. Vì vậy, trước khi đặt ra yêu cầu đổi mới toàn bộ hệ thống trưng bày cố định một cách toàn diện thì cần có sự đầu tư thích đáng và cũng nên đặt ra vấn đề phối hợp, liên kết khai thác với các doanh nghiệp khi đầu tư vào bảo tàng.

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Có thể nói, yêu cầu về đổi mới trưng bày tại các Bảo tàng Hồ Chí Minh ở địa phương là một yêu cấu cấp thiết, bởi lẽ hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh không phải là tập hợp của những bảo tàng tương tự nhau mà là tập hợp của một hệ thống bảo tàng trưng bày phong phú, thể hiện bản sắc của từng vùng miền, nét độc đáo, riêng biệt, gần gũi với cảm nhận của nhân dân, các Bảo tàng thực sự là một hành trình tưởng nhớ, tri ân về Người với sự phong phú vốn có trong tâm thức của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu. Để mỗi Bảo tàng không chỉ là nơi học tập về tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là nơi lan tỏa một nhân cách, một tầm vóc văn hóa của một vĩ nhân không chỉ với nhân dân trong nước mà còn đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

ThS. Lê Thùy Chi - Nguyễn Hồng Hạnh
HTKH "Đổi mới trưng bày Bảo tàng và Di tích trong giai đoạn hiện nay" 11/2018