Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Đi tìm nét đặc thù riêng biệt của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nhằm thu hút khách tham quan
06/02/2018
Đọc bài viết:
Hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài trên khắp ba miền Bắc – Trung - Nam. Với những người ít am hiểu, có thể cho rằng, nội dung trưng bày của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước có tính chất rập khuôn, sao chép, thiếu sự sáng tạo, sự khác biệt. Phải làm sao để thể hiện được nét đặc thù riêng biệt, giúp khách tham quan dễ dàng phân biệt được Bảo tàng vùng miền này khác với Bảo tàng ở vùng miền khác. Đồng thời, việc phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, tăng cường thu hút khách tham quan đến với hệ thống Bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước là một vấn đề được đặt ra qua nhiều Hội thảo, Hội nghị, tọa đàm. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mang tính đặc thù vùng miền. Đây thực sự là vấn đề đặt ra với những người làm công tác Bảo tàng.
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

I. Những đặc thù riêng biệt trong trưng bày về thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế:

1. Khác biệt trong nội dung trưng bày:

Chúng ta biết rằng, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều giai đoạn quan trọng ở những vùng đất khác nhau. Người sinh ra ở quê nhà Nghệ An, bắt đầu đi học và từng bước trưởng thành ở Huế, đi dần vào Nam để tìm đường đi ra nước ngoài, về nước Người dừng chân ở vùng đất Pác Bó (Cao Bằng), hoạt động ở vùng núi rừng Việt Bắc. Người đã có khoảng thời gian khá dài sống và làm việc, qua đời tại thủ đô Hà Nội. Những địa danh Người đến thăm, gặp gỡ quân dân và nói chuyện…Cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với lịch sử cách mạng Việt Nam, thì những giai đoạn cuộc đời Người có thể xem là những “lát cắt” của lịch sử, tên tuổi và uy tín của Người luôn có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình hình thành và phát triển phong trào cách mạng của mỗi địa phương. Sự trân trọng, yêu quý của quần chúng nhân dân giành cho Người càng được tăng lên khi địa phương đó, vào một thời điểm nhất định, đã từng được in dấu chân Người. Chính những nơi Người đã từng đi qua, đã từng gắn bó, trở thành một đặc thù riêng biệt của mỗi vùng miền.

Như vậy, cơ sở đầu tiên để nhận biết nét khác biệt trong hệ thống các Bảo tàng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc nghiên cứu tiểu sử sự nghiệp của Người. Việc đưa những sự kiện, những dấu ấn gắn với cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại mỗi địa phương vào nội dung trưng bày chính là tạo đặc thù riêng biệt, làm phong phú, đa dạng nội dung trưng bày các Bảo tàng trong Hệ thống.

Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế gồm 8 chủ đề được Bộ Chính trị phê duyệt. 8 chủ đề phản ánh đầy đủ cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham quan trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, có những dấu ấn đặc thù để phân biệt với các Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh thành khác với 2 điểm nhấn tiêu biểu.

Điểm nhấn thứ nhất, được thể hiện ở phần trưng bày về khoảng thời gian gần 10 năm thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế. Niềm vinh dự và tự hào của Huế là đã có khoảng thời gian 02 lần được đón cậu Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã cùng với gia đình đến đây sinh sống, học tập và bước đầu tham gia các hoạt động yêu nước (1895-1901 và 1906-1909). Huế là nơi Người bắt đầu học chữ, nơi đã có những ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành tư tưởng yêu nước, về quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Người. Đây là những lát cắt quan trọng trong tiểu sử sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu so sánh bình diện với các địa phương khác, thì khoảng thời gian này chỉ có ở Huế, chỉ mình Huế lưu giữ hệ thống di tích về Người làm minh chứng rõ nét về dấu ấn riêng biệt này.

Không gian trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu một số tổ hợp, hình ảnh về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh  được xếp hạng cấp quốc gia (Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Dương Nỗ, Trường Quốc Học Huế, Đình làng Dương Nỗ), cấp tỉnh (Am Bà, Bến Đá, Địa điểm di tích Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, Địa điểm di tích mai táng bà Hoàng Thị Loan, địa điểm Trường TH Pháp – Việt Đông Ba) trên nền bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa Huế để chuyển tải một cách hiệu quả về những lát cắt lịch sử của cuộc đời Hồ Chí Minh diễn ra ở quê hương Thừa Thiên Huế.

Điểm nhấn thứ hai, được thể hiện ở phần trưng bày về những tư liệu hiện vật giới thiệu tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế với Bác, tình cảm của Bác giành cho Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế.

Những người con Thừa Thiên Huế tham gia 2 cuộc kháng chiến, khi ra Bắc được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe lời căn dặn của Người, những sự kiện mang dấu ấn về Người được lưu giữ sống động trong ký ức của những người dân Huế; Ngoài ra, cùng với hồi ký của những người gặp Bác, kỷ vật được Người trao tặng trong những lần gặp mặt, phần thưởng cao quý của Người dành cho những chiến công xuất sắc của Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã trở thành những di vật lịch sử, gắn bó mật thiết với cuộc đời của vị lãnh tụ cách mạng. Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã khai thác khía cạnh này, chuyển tải vào nội dung trưng bày.

Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với gần 15.000 tư liệu. hiện vật. Trong đó tư liệu hiện vật gốc liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh có số lượng tương đối phong phú. Những hiện vật tiêu biểu: Chiếc áo lụa Bác Hồ tặng đồng chí Lê Đình Cúc ở Hương Trà (1952), Áo bông tặng Ty Công an Thừa Thiên (1949), chiếc đài tặng Anh hùng LLVTND Kan Lịch (1967)…cùng nội dung hồi ức về các sự kiện đều được chắt lọc trưng bày.

Việc đan xen giữa nội dung TSSN của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lịch sử cách mạng địa phương, gắn với những sự kiện, di vật tiêu biểu được quần chúng nhân dân địa phương lưu giữ đã làm nội dung trưng bày đậm dấu ấn Huế. Tạo sự khác biệt đặc thù so với các Bảo tàng trong hệ thống.

2. Khác biệt trong giải pháp trưng bày

Tri thức văn hóa bản địa vùng miền của đội ngũ cán bộ chuyên môn Bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức trưng bày. Việc chuyển tải nội dung trưng bày trên nền cơ sở văn hóa vùng miền có sự cân nhắc, đối chiếu, sự cẩn trọng trong từng chi tiết sẽ là những nét nhấn nhá đặc thù trong không gian trưng bày. Tạo hứng thú cho các đối tượng khách tham quan khi đến thưởng lãm tại Bảo tàng.

 Khi tổ chức trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế vào năm 2000, các họa sĩ, các nhà nghiên cứu đã cố gắng lựa chọn các giải pháp mỹ thuật cơ bản mang đậm dấu ấn của miền đất cố đô.

Đó là Sự khác biệt về mầu sắc thể hiện: Màu sắc chủ đạo được sử dụng trong trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chủ yếu là những màu trầm (nâu sẫm, xanh, đỏ sẫm…), trầm tĩnh như tính cách của người Huế; Sự khác biệt về hoa văn: Trên hệ thống đai trưng bày, có một số được chọn làm điểm nhấn với những mảng trang trí chạm khắc hoa sen, hình ảnh chim bồ câu, những cành mai vàng 5 cánh, hình ảnh di sản văn hóa Huế như cầu Trường Tiền, Ngọ Môn, sông Hương, chùa Thiên Mụ…; Sự khác biệt về chất liệu: 2 chất liệu tiêu biểu của Huế được sử dụng trong trưng bày là gỗ, đồng. Những bức tượng, phù điêu, các mảng viền đai bằng đồng do các nghệ nhân phường Đúc thực hiện. Gỗ được sử dụng tạo các bức phù điêu, đèn lồng cách điệu sơn son thiếp vàng…

Việc chọn các vị trí tổ hợp, chọn đúng truyền thống văn hóa đặc trưng đã tạo nên sự riêng biệt đặc thù của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Đảm bảo nội dung trưng bày không trùng lắp, phong phú và tạo được sự hấp dẫn người xem.

II. Tổ chức nhiều hoạt động đặc thù nhằm thu hút khách tham quan

Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thể hiện qua 6 khâu công tác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với mục đích tăng cường phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động đặc thù nhằm thu hút khách tham quan.

- Bảo tàng đã chủ động xây dựng các tuyến du lịch di sản về Hồ Chí Minh ở hai bờ Bắc – Nam sông Hương. Các tuyến du lịch bao gồm các di tích, địa điểm di tích gắn liền với tên tuổi của Người, với hành trình và vị trí thuận lợi, thời gian tham quan phù hợp đã bước đầu thu hút được một lượng khách đáng kể trong các mùa du lịch, lễ hội.

- Phối hợp với các công ty Du lịch, lữ hành để tổ chức các Hội nghị trao đổi về vấn đề thu hút khách tham quan. Sự chủ động này đã đem đến kết quả chuyển biến tích cực trong việc tăng lượng khách tham quan trong và ngoài nước đến với Bảo tàng và di tích. Du khách đến với Bảo tàng tăng dần qua từng năm.

- Thông qua các phong trào, các chương trình trường học, Bảo tàng đã chủ động phối hợp để đưa giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần hơn với tầng lớp học sinh sinh viên. Những cuộc thi tìm hiểu về TSSN của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu các tác phẩm của Người được tổ chức đều đặn trong học sinh sinh viên các trường THPT và ĐH trên địa bàn. Tạo điều kiện cho các em tìm hiểu sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức và TSSN cũng như thơ văn của Người, thực hiện tốt chức năng giáo dục của Bảo tàng đối với việc rèn luyện đạo đức của học sinh theo lời Bác Hồ dạy.

Các hoạt động chăm sóc di tích, những giờ học lịch sử ngoại khóa, dâng hoa báo công của các trường tại Bảo tàng và di tích cũng giúp thực hiện tốt công tác giáo dục của Bảo tàng.

- Xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền về Bảo tàng và hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế.

- Tổ chức tuyên truyền lưu động về TSSN Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các trường học trên địa bàn Tỉnh.

Nhờ làm tốt công tác quảng bá, Bảo tàng đã tạo được sự chú ý của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc chọn Bảo tàng làm đích phối hợp tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp...; Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng...), tạo được thương hiệu riêng trong công tác tổ chức triển lãm, tuyên truyền.

III. Xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng trong tình hình mới

Có thể nói rằng, hiệu quả hoạt động của Bảo tàng bắt nguồn từ việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng. Việc nghiên cứu để xây dựng, triển khai những hình thức hoạt động mới mẻ, hấp dẫn yêu cầu ở đội ngũ cán bộ viên chức Bảo tàng phải đạt những tiêu chí về trình độ, tâm huyết nghề nghiệp…đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bảo tàng trong tình hình mới

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã chú trọng đầu tư cho vấn đề nâng tầm đội ngũ cán bộ viên chức. Trong đó luôn tạo điều kiện cho lực lượng viên chức trẻ học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có 100% viên chức có trình độ đại học, trong đó có 5 viên chức là thạc sĩ, nhiều viên chức 2 bằng đại học (2 đồng chí có bằng đại học chuyên ngành bảo tàng)… Phần lớn cán bộ viên chức đều tốt nghiệp ngành Sử, ngành Bảo tàng, ngành Ngoại ngữ… Đây là lực lượng cơ bản để Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hằng năm. Là cơ sở để Bảo tàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đội ngũ thuyết minh viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cũng mang nét đặc thù. Với giọng nói miền Trung nhẹ nhàng, ấm áp, truyền cảm, với kỹ năng thu hút, duyên dáng khi dẫn khách, đội ngũ thuyết minh viên đã tạo được những ấn tượng riêng đối với khách tham quan.

IV. Một số đề xuất

Từ những khảo nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy để nâng cao chất lượng công tác trưng bày Bảo tàng, cần phải thực hiện nhiều động pháp đồng bộ. Trong đó chú trọng yếu tố quan trọng nhất là yếu tố con người:

Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức năng động, sáng tạo xứng tầm với chức năng nghiên cứu khoa học của mỗi Bảo tàng. Đội ngũ này có nhiệm vụ nghiên cứu sâu về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó khám phá những nét khác biệt, những “lát cắt” trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử cách mạng địa phương; nghiên cứu tìm hiểu về bản sắc văn hóa để tiếp tục nhận ra những dấu hiệu khác biệt, xây dựng các nội dung mới, các biện pháp mỹ thuật phù hợp để chuyển tải nội dung trưng bày qua các lần chỉnh lý; đội ngũ cán bộ thuyết minh tăng cường nghiên cứu nội dung trưng bày, rèn luyện các kỹ năng truyền tải, thu hút trong quá trình đón tiếp khách tham quan.

Bảo tàng phải xây dựng được đội ngũ cộng tác viên đông đảo là các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân truyền thống. Đây chính là đội ngũ sẽ cung cấp những thông tin, những ý kiến đóng góp tích cực vào quá trình khảo sát, nghiên cứu về văn hóa đặc thù của các vùng miền. Giúp Bảo tàng xác định nhanh và đúng nét văn hóa riêng biệt, thích hợp để sử dụng trong trưng bày.

Các Bảo tàng cần xây dựng cơ chế phối hợp, nhanh nhạy trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động. Các hoạt động phối hợp chính là những sản phẩm mang tính đặc thù, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn trong phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, đóng góp những giá trị văn hóa sâu sắc trong đời sống tinh thần quần chúng nhân dân.

Làm thế nào để tạo được ấn tượng tốt, hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan đến với hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc là một vấn đề đặt ra từ lâu. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị về vấn đề này đã được tổ chức. Tuy nhiên, với các Bảo tàng ở địa phương, vẫn còn những tồn tại dẫn đến hạn chế hiệu quả thu hút khách tham quan. Thiết nghĩ, cần phải có giải pháp lâu dài, những đột phá để đáp ứng yêu cầu công tác trong thời gian tới.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

                Tháng 4 năm 2015