Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Một vài suy nghĩ về triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
06/02/2018
Đọc bài viết:
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh hai nội dung chủ yếu: “Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế; “Thừa Thiên Huế với Bác Hồ và Bác Hồ với Thừa Thiên Huế”, với hơn 1.000 hình ảnh, hiện vật, tài liệu phân bố trên diện tích sàn trưng bày 600m2, được thể hiện bằng những ý tưởng và giải pháp mỹ thuật hiện đại, tạo ấn tượng và sức hấp dẫn cho khách tham quan khi đến tham quan, nghiên cứu học tập.
Một góc trưng bày triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
Một góc trưng bày triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Ngoài nội dung trưng bày chính, Bảo tàng còn có gian trưng bày triển lãm với diện tích 600m2,, thường xuyên trưng bày các chuyên đề triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Hằng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức từ 5 đến 6 cuộc triển lãm chuyên đề với hàng ngàn hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tuyên truyền thu hút khách đến nghiên cứu, học tập, tham quan và cũng là cơ hội để Bảo tàng giới thiệu với công chúng các tư liệu hiện vật quý mới sưu tầm. Các chuyên đề triển lãm đã đem lại những hiệu ứng tích cực trong công tác tuyền truyền giáo dục, nâng cao trình độ chính trị và hiểu biết về lịch sử cho quần chúng nhân dân. Qua đó quần chúng nhân dân có thể hiểu hơn những cống hiến to lớn, tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Qua các triển lãm chuyên đề, những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân và được nhân dân đánh giá cao.

Để tiếp tục phát huy giá trị của các bộ triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng, xin đề xuất số giải pháp sau:

Thứ nhất: Cần đa dạng hóa, mở rộng quy mô các hoạt động của Bảo tàng, thực hiện chức năng giáo dục khoa học bảo tàng với công chúng. Bảo tàng phải tự tìm đến với công chúng, bằng cách tổ chức những đợt triển lãm lưu động theo các chuyên đề phù hợp nhu cầu đặc điểm từng địa phương, nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Đặc biệt ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, ven biển, đầm phá. Những năm vừa qua Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã thành công trong công tác triển lãm lưu động và tuyên truyền lưu động về vùng sâu, vùng xa trong Tỉnh. Đây là mô hình cần được phát huy và nhân rộng.

Thứ hai: Bảo tàng cần thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trưng bày của các triển lãm chuyên đề. Mở rộng sự giao lưu liên kết, thông qua các đợt trưng bày, phối hợp giữa các Bảo tàng với nhau, nhằm khai thác thế mạnh của các Bảo tàng tạo nên sự “luôn luôn mới” để hấp dẫn người xem. Qua đó, chúng ta có dịp trao đổi, học tập, giao lưu, mở rộng tầm nhìn và tự khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống tinh thần của xã hội.

Thứ ba: Cần đầu tư nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng các bộ sưu tập, tài liệu, hiện vật gốc ở Bảo tàng. Xây dựng các sưu tập tài liệu, hiện vật bảo tàng làm cơ sở cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung trưng bày trong các triển lãm chuyên đề. Khi xây dựng chú ý quan tâm tới việc thẩm định, nghiên cứu xác minh khoa học đầy đủ nội dung các tài liệu, hiện vật, đảm bảo thông tin chính xác.

Thứ tư: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm... Người tuyên truyền không điều tra không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì việc nấy, nhất định thất bại.... Tuyên truyền không phải nói tràng giang đại hải, mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được để mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm được[1]. Tuyên truyền chính là “đầu ra” của Bảo tàng. Tất nhiên để thực hiện công việc trên đòi hỏi trước tiên là con người - đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nghiệp vụ nghiên cứu phải có tay nghề, năng lực và tâm huyết, phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi những cái mới, những cái hay và cần có sự sáng tạo, đổi mới.

Thứ tư: Thường xuyên tổ chức phát phiếu thăm dò lấy ý kiến đóng góp của khách tham quan để từ đó rút ra những việc đã làm được và chưa làm được để khắc phục cho những lần chỉnh lý trưng bày tiếp theo (cả trưng bày cố định và trưng bày triển lãm chuyên đề)

Trên đây là một vài suy nghĩ, giải pháp về công tác triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, góp phần đưa sự nghiệp bảo tàng ngày càng phát triển đi lên xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh đến với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trần Đình Anh Vũ - Võ Anh Tuấn (Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế)

 

 


[1]  HCM toàn tập, NXBCTQG, HN, 2002, tập 5, tr.162.