Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Đổi mới trưng bày triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
11/11/2022
Đọc bài viết:
I. Đặt vấn đề Trưng bày là phần quan trọng thể hiện kết quả của các khâu công tác bảo tàng. Chất lượng công tác trưng bày của một bảo tàng sẽ quyết định tính hấp dẫn, thu hút được khách tham quan, sự quan tâm của công chúng đối với bảo tàng đó, vì vậy, chất lượng công tác giáo dục sẽ được nâng cao thông qua trưng bày. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế sau hơn 35 năm hình thành và phát triển, công tác trưng bày được tổ chức thực hiện từ những ngày đầu thành lập, qua các hoạt động trưng bày cố định, trưng bày ở các cuộc triển lãm lưu động, các triển lãm chuyên đề. Sau chỉnh lý Nhà trưng bày năm 2016, không gian trưng bày Nhà Bảo tàng giới thiệu hơn 1000 tư liệu hiện vật qua 8 chủ đề, ngoài việc nói về khoảng thời gian 10 năm gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Huế những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trưng bày Bảo tàng còn nhấn mạnh nội dung “Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác”.

Qua những lát cắt lịch sử đặc trưng của trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế, công chúng hiểu thêm về tiểu sử và sự nghiệp của Người gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cảm nhận và ấn tượng với những điểm nhấn đặc trưng và khác biệt qua hình ảnh, tư liệu, hiện vật, tổ hợp hiện vật, tổ hợp không gian hình tượng của trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế so với những bảo tàng khác. Trong chung có riêng, trong riêng có chung chính là đặc điểm hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của khách tham quan.

Song song với trưng bày cố định, những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn tổ chức những hoạt động trưng bày triển lãm lưu động, triển lãm chuyên đề mang tính hỗ trợ cho trưng bày cố định, với những ưu điểm riêng (ngắn hạn, nội dung trưng bày thay đổi linh hoạt), những hoạt động này đã trở nên hết sức cần thiết, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Thời gian trước, tuy phương tiện triển lãm thô sơ, phương tiện truyền thông hạn chế, những hoạt động này được công chúng tích cực hưởng ứng, đánh giá cao về hiệu quả, ý nghĩa và các giá trị văn hóa tinh thần do triển lãm lưu động và triển lãm chuyên đề mang lại. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ của công nghệ, con người có thể ngồi ở nhà lướt mạng internet, cập nhật hoặc tìm hiểu thông tin, họ trở nên “lười nhác”, thấy không cần thiết phải đến với trưng bày của Bảo tàng. Lúc này đây, yêu cầu đổi mới trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những cuộc triển lãm lưu động, triển lãm chuyên đề được đơn vị tổ chức theo kế hoạch hoạt động thường xuyên phải chú ý khía cạnh tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khách tham quan bằng hình thức mới, phương pháp mới. Bởi khi đáp ứng được nhu cầu khách tham quan, bảo tàng sẽ giải quyết được vấn đề thu hút khách, thu hút những cá nhân, các nhà nghiên cứu có nhu cầu đến thưởng lãm và tìm kiếm thông tin, giải đáp hoặc bổ sung thông tin cho một vấn đề nào đó mà họ quan tâm. 

II. Đổi mới trưng bày triển lãm chuyên đề ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nhằm giải quyết những vấn đề gì:

Đổi mới công tác trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được đặt ra ở nhiều khía cạnh, mà theo nhận thức hạn chế của bản thân, theo tôi, nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, về mặt hình thức. Tuyến trưng bày ở triển lãm chuyên đề bảo tàng diễn ra từ trái sang phải, thể hiện ở các diện trưng bày (đai, tủ, album, sàn…). Trên các diện trưng bày vẫn luôn ưu tiên bố trí các hình ảnh, tư liệu lên đai (kèm chú thích bên dưới), hiện vật được bỏ tủ nhằm tăng sự trang trọng (và một phần tăng cường an toàn cho hiện vật), sàn trưng bày dành cho những hiện vật, mô hình có kích thước lớn…Chỉ một vài hình ảnh, sự kiện quan trọng được chọn sang phóng kích thước lớn và thi thoảng một vài tổ hợp hiện vật được bố trí làm điểm nhấn trong không gian trưng bày. Trên đầu đai trưng bày giới thiệu các đề mục triển lãm để khách tham quan tiện theo dõi. Thời gian trước đây, hình thức trưng bày này được đánh giá là khoa học, đảm bảo các yếu tố thuận lợi cho tiến trình tham quan của khách tham quan. Tuy nhiên, lâu dần, lối trưng bày này dẫn đến sự nhàm chán. Bởi mỗi lần khai mạc bộ triển lãm chuyên đề mới, người xem vẫn thấy trên những diện trưng bày ấy, những khung kính ấy, những tủ hiện vật khô cứng xưa cũ giới thiệu nội dung trưng bày. Vấn đề đặt ra ở đây là phải xây dựng một phương pháp truyền tải mới, phải bằng những giải pháp mỹ thuật hấp dẫn nhằm tạo sự chú ý của các đối tượng khách tham quan đến với Bảo tàng. Thôi thúc họ đến với Bảo tàng nhằm tìm kiếm những thông tin mới, tìm kiếm những món ăn tinh thần do Bảo tàng mang lại.

Thứ hai, về nội dung, trưng bày truyền thống của các bảo tàng thiên về dàn trải theo niên đại. Đây là lối trưng bày có thể xem là an toàn, đầy đủ. Trong đó, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử, đến tiến trình lịch sử đều được liệt kê trên tất cả các diện trưng bày. Trưng bày triển lãm chuyên đề ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trước đây cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Theo chúng tôi, ở một khía cạnh nào đó, càng nhiều tư liệu, hiện vật được liệt kê thì nội dung trưng bày càng được đánh giá là phong phú, hoàn thiện. Tuy nhiên, một đôi khi xảy ra tình trạng trên diện tích trưng bày luôn ổn định, số lượng tư liệu hiện vật được bố trí nhiều làm xảy ra tình trạng rườm rà, chật chội, thiếu hẳn sự chắt lọc, tôn vinh những tư liệu, hiện vật đặc sắc. Ở khía cạnh khác, khách tham quan khó phân biệt được những yếu tố chính, phụ trong nội dung trưng bày, dẫn đến những thông tin được cảm nhận một cách lan man, không đầy đủ, hoặc thiếu sót. Đổi mới trưng bày lúc này sẽ tạo những biến chuyển mới trong cách tiếp cận vấn đề, cách trình bày vấn đề. Bởi cách lựa chọn sự kiện, nhân vật đại diện để truyền tải thông tin về lịch sử sẽ yêu cầu sự kỹ lưỡng, chắt lọc, không dàn trải; đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng khách tham quan ở các khía cạnh: hấp dẫn, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ…

Thứ ba, đổi mới trưng bày tác động trực tiếp đến đội ngũ làm công tác trưng bày ở mỗi bảo tàng. Bởi tư duy của lối trưng bày cũ, cách truyền tải thông tin cũ không thể cho ra những giải pháp triển lãm chuyên đề mới. Đây là lúc đội ngũ cán bộ nghiệp vụ luôn phải nghiên cứu để hiểu sâu, hiểu đúng về vấn đề đặt ra khi tìm kiếm và tổng hợp thông tin chuẩn xác về tư liệu, hiện vật, sự kiện lịch sử nhằm cung cấp đến khách tham quan; phải suy nghĩ thấu đáo để cùng nhau xây dựng những cách thức mới trong truyền tải thông tin đến khách tham quan, đó chính là cơ hội và điều kiện để lực lượng này tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

III. Những đổi mới trưng bày triển lãm chuyên đề ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Đổi mới trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã được đơn vị chú trọng thực hiện trong quá trình triển khai kế hoạch hoạt động kỷ niệm những ngày lễ chính trong năm (26/3, 19/5, 27/7, 2/9), tuy nhiên, dấu ấn đậm nét của đổi mới trưng bày thể hiện rõ ở một số triển lãm chuyên đề được tổ chức từ năm 2017 – 2018, đó là những triển lãm chuyên đề “Sức sống người miền Tây Thừa Thiên Huế”, “Câu chuyện đằng sau những kỷ vật”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người bạn Châu Âu”. Việc đổi mới thực hiện chủ yếu ở các công đoạn:

1. Đổi mới phương pháp đặt tên cho triển lãm

Việc đặt tên cho triển lãm chuyên đề được đặt ra đầu tiên, mang tính định hướng cho toàn bộ nội dung triển lãm, yêu cầu đáp ứng được các tiêu chí: ngắn gọn, súc tích, mang tính khái quát nội dung triển lãm chuyên đề muốn giới thiệu. Tên gọi của các triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã phần nào thể hiện và đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Sức sống người miền Tây Thừa Thiên Huế” là tên gọi của bộ triển lãm được thực hiện sau quá trình khảo sát, tổ chức trưng bày ở Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng huyện A Lưới. Sức sống người miền Tây là khả năng tiềm tàng của con người nơi đây, giúp họ giữ vững niềm tin vào Đảng. Với tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, với niềm tôn kính lãnh tụ Hồ Chí Minh, sức sống đó trở nên hết sức mãnh liệt, họ đã kề vai sát cánh bên nhau, vượt qua gian khổ để chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ (thể hiện qua nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân nơi đây còn lưu giữ), trong thời bình họ lại nỗ lực không ngừng để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, từng bước phát triển tiến kịp miền xuôi. Sức sống người miền Tây lúc này là tiền đề cho tất cả những thành tựu kinh tế, xã hội, du lịch, là niềm tự hào của vùng núi phía tây Thừa Thiên Huế. Theo tôi, triển lãm “Sức sống người miền Tây Thừa Thiên Huế” có thể xem là một phòng truyền thống của đảng bộ và nhân dân huyện A Lưới, là giá trị tinh thần to lớn để mỗi dịp lễ, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân A Lưới có thể đến tham quan, tìm hiểu, học tập và tự hào về truyền thống của quê hương mình.

 “Câu chuyện đằng sau những kỷ vật” là triển lãm chuyên đề được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2017) tại không gian triển lãm nhất thời ở tầng I Nhà Bảo tàng (số 07 Lê Lợi, thành phố Huế). Tên gọi của bộ triển lãm đã nhấn mạnh rằng mỗi kỷ vật về Bác được trưng bày tại triển lãm đều mang một câu chuyện lịch sử, và những câu chuyện đó sẽ được chú trọng giới thiệu đến khách tham quan qua nhiều hình thức trưng bày. Có thể thấy rằng, triển lãm được gọi bằng một cái tên không cứng nhắc, khuôn sáo theo lối mòn khiên cưỡng, mà rất nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, đồng thời gợi cho các đối tượng khách tham quan một sự tò mò, muốn tìm hiểu về nội dung triển lãm.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người bạn Châu Âu” là triển lãm mới nhất được tổ chức vào dịp 19/5/2018. Tiêu đề triển lãm chỉ đơn giản nói đến “những người bạn”, những người bạn giản dị, thân thiết và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lại là biểu hiện của kết quả mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước châu Âu với những thành tựu to lớn, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, duy trì, ứng xử bằng một trái tim nhân hậu, một đức tính giản dị và một trí tuệ mẫn tiệp. Ngược lại, tiêu đề sẽ bao gồm giới thiệu về tình cảm, sự trân trọng của “những người bạn châu Âu”, sự thương tiếc của họ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời; Mối quan hệ hữu nghị của Việt Nam và các nước Châu Âu trong những năm qua vẫn được duy trì và phát triển, nhân dân Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn tiếp tục thực hiện đường lối ngoại giao của Đảng, của Bác Hồ.

2. Đổi mới phương pháp xây dựng nội dung đề cương triển lãm  

Đề cương triển lãm là phần quan trọng trong tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề. Bởi khi nội dung đề cương triển lãm hoàn thành, việc triển khai tổ chức triển lãm chuyên đề đã cơ bản thực hiện được một nửa. Việc đổi mới phương pháp xây dựng đề cương triển lãm được Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế hết sức chú trọng. Nội dung đề cương triển lãm được điều chỉnh theo hướng trình bày vấn đề có trọng tâm, có điểm nhấn sáng tạo. Mặc dù vẫn dựa trên tiến trình lịch sử, nhưng mỗi giai đoạn lịch sử đều lựa chọn một sự kiện tiêu biểu, một nhân vật lịch sử tiêu biểu làm đại diện (thể hiện ở hình ảnh, hiện vật, tài liệu, tổ hợp hiện vật, trong riêng có chung và trong chung có riêng…) để giới thiệu nội dung trưng bày, nói lên được tư tưởng chủ đạo của nội dung triển lãm. Lúc này, do có sự chắt lọc, lựa chọn, rà soát kỹ, nên tránh được sự rườm rà trong nội dung, dễ dàng xác định được yếu tố chính phụ trong nội dung trưng bày. Đề cương của các bộ triển lãm xuất phát từ ý tưởng chỉ đạo của Ban Giám đốc: Xây dựng các cụm trưng bày lớn giới thiệu khái quát từng phần theo hình ảnh đặc trưng minh họa; Mỗi tiểu mục là một câu chuyện, thông tin được chia thành 3 cấp: Thông tin khái quát, trích các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương, Thông tin chính từ một người dẫn chuyện mang tính điển hình, Thông tin phụ, cảm nhận của cá nhân; Kèm theo thông tin là hình ảnh minh họa phù hợp.

Bên cạnh việc lựa chọn những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử làm yếu tố chính, đại diện cho một khoảng thời gian lịch sử nhằm truyền tải thông tin đến khách tham quan, Bảo tàng còn ưu tiên xây dựng các bản text (bản tóm tắt câu chuyện lịch sử, sự kiện lịch sử hàm chứa trong hiện vật trưng bày, tóm tắt giai đoạn lịch sử làm bối cảnh cho hiện vật, tư liệu, hình ảnh nổi bật). Đây có thể xem là một hình thức đổi mới, cơ bản và hữu ích trong xây dựng nội dung đề cương trưng bày. Nếu thuyết minh viên là người dẫn chuyện, thì mỗi bản text với nội dung tóm tắt giới thiệu về một sự kiện, một giai đoạn lịch sử, hoặc một tư liệu, hiện vật giá trị đặc sắc dự kiến lựa chọn đưa ra trưng bày thực sự bổ trợ rất hiệu quả, gắn bó mật thiết với tư liệu hiện vật trưng bày, giúp người xem hiểu rõ hơn về nội dung hiện vật, đồng thời nâng cao giá trị hiện vật trong suốt tuyến trưng bày…

 “Sức sống người miền Tây Thừa Thiên Huế” có gần 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào miền Tây Thừa Thiên Huế trong kháng chiến; khắc ghi những tình cảm thiêng liêng của đồng bào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào; giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, những tri thức bản địa của đồng bào miền Tây; thành tựu của quê hương miền Tây sau hơn 40 năm giải phóng. Để chuyển tải những thông tin đó, Bảo tàng chọn mốc thời gian để bắt đầu nội dung triển lãm là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, bức thư của Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Playcu (1946) với lời kêu gọi đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc được chọn làm thông tin khái quát, thông tin mang tính chủ đạo có sức thuyết phục mạnh mẽ mà sau đó tất cả những hình ảnh, câu chuyện, hiện vật được lựa chọn xoay quanh vấn đề làm nổi bật lên niềm tin, niềm tôn kính của nhân dân miền Tây Thừa Thiên dành cho Đảng, cho Bác Hồ qua các hành động: Theo Đảng, theo Bác Hồ; tham gia mở đường Trường Sơn qua đất Trị Thiên; Những kỷ vật về Bác Hồ mang giá trị lịch sử hai chiều của nhân dân hướng về lãnh tụ và của Người đối với họ; Tham gia đồng khởi và đóng góp những chiến công lừng lẫy…

Bộ triển lãm “Câu chuyện đằng sau những kỷ vật” gồm hơn 100 hiện vật thể hiện qua hai nội dung cơ bản: Kỷ vật kể chuyện tấm gương đạo đức Bác Hồ; Thừa Thiên Huế với kỷ vật về Bác Hồ. Với hai nội dung cơ bản đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chọn lối kể chuyện bằng những hiện vật được lựa chọn đặc sắc. Hiện vật trưng bày là những hiện vật gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sử dụng trong sinh hoạt, trong công việc hằng ngày, những tặng vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh… cơ bản đã có giá trị biểu cảm to lớn, giá trị này xuất phát từ tình cảm trân trọng, yêu quý Người nên khi xây dựng đề cương trưng bày, những câu chuyện kể về kỷ vật có vai trò nhấn mạnh, cung cấp thêm thông tin liên quan nhằm làm nổi bật chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam với đạo đức, tác phong giản dị, gần gũi, thanh tao, là sức cảm hóa to lớn đối với quần chúng nhân dân và với cả quân thù… theo tôi, bằng cách xây dựng thông tin cho hiện vật trưng bày qua những câu chuyện kể, triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã đảm bảo “thể hiện được tiêu chí biểu cảm của hiện vật bằng cách cung cấp thông tin cho hiện vật đó, góp phần làm rõ những nét “điển hình trong hoàn cảnh điển hình”, nhanh chóng tác động đến sự chú ý và tình cảm của khách tham quan, tăng khả năng truyền cảm và nhanh chóng tạo ra sự đồng cảm giữa hiện vật trưng bày với khách tham quan” (PGS.TS. Phan Khanh/Bảo tàng, hiện vật gốc trong sự phát triển xã hội hiện đại. Viết tháng 8/1994, Hà Nội).

Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người bạn châu Âu” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm sự kiện năm tròn, năm lẻ Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Châu Âu 2018. Nội dung đề cương giới thiệu những tư liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc về Người được những người bạn châu Âu lưu giữ, có lúc tự sáng tác để thể hiện niềm tin, sự trân trọng đối với Người. Nội dung triển lãm ngoài việc khai thác giá trị lịch sử của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam với các nước Châu Âu, những câu chuyện liên quan đến hiện vật được chú trọng khai thác và sử dụng trong nội dung trưng bày. Mỗi câu chuyện đều có một tiêu đề riêng, trích dẫn được ý tưởng chủ đạo của toàn bộ câu chuyện, thể hiện rõ nhất, tinh tế nhất tình cảm thân ái, cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những người bạn, và của họ đối với Người xoay quanh hiện vật, tư liệu làm minh chứng. 

Việc thay đổi phương pháp xây dựng nội dung, hàm lượng thông tin được cung cấp, những nội dung chính, phụ có sự cân đối, rõ ràng thể hiện ở các đề cương triển lãm là kết quả của những trăn trở, suy nghĩ và quyết tâm nâng cao chất lượng trưng bày triển lãm chuyên đề của đội ngũ cán bộ Nghiệp vụ Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Khi duyệt đề cương triển lãm, chúng tôi đã nhận được sự nhất trí cao của các đồng chí lãnh đạo về ý tưởng và giải pháp trưng bày mới.

3. Đổi mới phương pháp thiết kế marquette trưng bày

Đổi mới phương pháp thiết kế marquette trưng bày tức là đổi mới hình thức trưng bày triển lãm chuyên đề. Thiết kế marquette trưng bày được tiếp tục triển khai từ đề cương triển lãm chuyên đề được duyệt, phù hợp với không gian trưng bày. Không gian trưng bày triển lãm nhất thời tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có diện tích cơ bản ổn định với 600m2 sàn. Tuy nhiên, ưu điểm của không gian trưng bày là hệ thống đai di động, có thể chuyển dịch và bố trí lại theo yêu cầu của nội dung triển lãm (có thể thu hẹp hoặc mở rộng khi cần thiết). Marquette trưng bày triển lãm được thiết kế trên phần mềm đồ họa, xuất phát từ ý tưởng trưng bày được thể hiện ở đề cương, marquette trưng bày cũng đảm bảo: Xây dựng các cụm trưng bày lớn giới thiệu khái quát từng phần; Các cụm trưng bày bao gồm nhiều tiểu mục tạo thành, mỗi tiểu mục là một câu chuyện, từ câu chuyện đó, những tài liệu, hiện vật được định vị phù hợp, mang tính chất minh họa xoay quanh tiểu mục. Không gian trưng bày triển lãm chuyên đề được chia làm các khu vực riêng và khác nhau về đề mục, tuy nhiên, so với cách dàn dựng trưng bày cũ, lúc này các câu chuyện lịch sử và tư liệu hiện vật thể hiện rõ nét mối quan hệ tương hỗ, có sự liên kết chặt chẽ, thống nhất với nhau làm nổi bật chủ đề của triển lãm. Đồng thời, các phương pháp chuyển tải nội dung đến khách tham quan cũng được thực hiện thống nhất, linh hoạt thay đổi các mảng sáng, tối, màu sắc nhã nhặn, tươi sáng và trang trọng, nền đai phù hợp với các tiểu mục, ánh sáng trưng bày được bố trí hợp lý. Các tổ hợp, mô hình, không gian văn hóa 3D sống động được xây dựng làm điểm nhấn.

Nhìn chung, các triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã tránh được hình thức trưng bày liệt kê tư liệu, hiện vật, loại bỏ nhàm chán bằng các giải pháp mỹ thuật hấp dẫn, tạo được sự chú ý mạnh mẽ của khách tham quan, của giới nghiên cứu, các thế hệ học sinh sinh viên đến tham quan, học tập lịch sử. Thiết kế trưng bày triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã phần nào tiếp cận được phương pháp trưng bày mới của các Bảo tàng trong hệ thống, được giới chuyên môn đánh giá cao.

4. Đối mới phương pháp phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề:

Phối hợp triển lãm là hình thức không mới, theo hình thức phối hợp này, các bảo tàng “mượn” ở các bảo tàng khác những bộ sưu tập hiện vật, những triển lãm chuyên đề để tổ chức trưng bày tại đơn vị. Việc phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân tại địa phương những chuyên đề triển lãm đặc sắc đến từ những vùng miền khác nhau có thể xem là ưu điểm làm tăng sự hấp dẫn của trưng bày các bảo tàng khi muốn thu hút khách tham quan, tuy nhiên, để thực hiện với hiệu quả cao thì không phải là điều dễ dàng.

Công tác phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được tăng cường và phát huy hiệu quả trong những năm 2017-2018 qua việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị với các triển lãm phong phú về nội dung, đổi mới về hình thức và đạt hiệu quả cao: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới phối hợp thực hiện triển lãm “Sức sống người miền Tây Thừa Thiên Huế”, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương phối hợp thực hiện các triển lãm “Câu chuyện đằng sau những kỷ vật”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người bạn Châu Âu”. Hình thức phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề này ngoài việc tăng cường sự gắn bó chặt chẽ của Bảo tàng Hồ Chí Minh với các địa phương (cụ thể ở đây là huyện A Lưới) và đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương còn là sự hỗ trợ hết sức thiết thực, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trưng bày của đơn vị. Năm 2017-2018, hàng trăm tư liệu, hiện vật gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được di chuyển từ Hà Nội vào trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Từ những hiện vật “mượn” được, kết hợp với hiện vật gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện có ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã xây dựng các bộ triển lãm chuyên đề về Người hết sức sống động, độc đáo. Tổng hợp nội dung các tư liệu, hiện vật gốc về Người để trở thành những chuyên đề triển lãm có nội dung sâu sắc, mang tính biểu cảm rất cao, được quần chúng nhân dân nhiệt tình đón nhận.

IV. Kết luận:

Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới công tác trưng bày triển lãm chuyên đề ở mỗi bảo tàng là hết sức cần thiết và phải được thực hiện liên tục, không vì kết quả ấn tượng ban đầu mà thiếu đi sự sáng tạo cho những lần sau. Đó chính là yêu cầu đặt ra trong công tác tổ chức triển lãm chuyên đề của mỗi bảo tàng. Từ thực tế công tác, chúng tôi thấy rằng, việc đổi mới công tác trưng bày cần tiếp tục:

- Tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, trực tiếp là Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, sự hỗ trợ của Bảo tàng Hồ Chí Minh trung ương, sự quan tâm phối hợp của các Bảo tàng, đây là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để các hoạt động triển lãm chuyên đề diễn ra thuận lợi.

- Để thực hiện được một triển lãm chuyên đề tại đơn vị, cần sự tham mưu đúng đắn của đội ngũ cán bộ Nghiệp vụ. Khi tổ chức triển lãm chuyên đề, cán bộ Nghiệp vụ đã cố gắng thực hiện tốt công việc (xây dựng đề cương, Marquette trưng bày, biên tập nội dung chú thích, xây dựng bản text giới thiệu, dàn dựng trưng bày…). Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cần được nâng cao hơn nữa, thể hiện ở chất lượng nghiên cứu, tìm hiểu, có những đề xuất giá trị, kịp thời để tạo cơ sở cho ra đời những triển lãm chuyên đề hấp dẫn, đạt hiệu quả cao. Đây chính là tác động của việc đổi mới trưng bày đến đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, ở một khía cạnh nào đó, cán bộ nghiệp vụ phải “vận động” để có sự đổi mới ở hiệu quả công tác, tránh được sự chây ỳ, rập khuôn khi thực thi nhiệm vụ.

- Thời gian qua, sự phối hợp thực hiện triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã được tăng cường. Về kết quả phối hợp, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế được đánh giá là đơn vị đầu tiên trong Hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam mạnh dạn “mượn” các sưu tập hiện vật của Người từ Hà Nội về trưng bày tại địa phương, đó là việc làm đáng khích lệ, giúp phát huy có hiệu quả các bộ sưu tập hiện vật gốc về Người. Như vậy, có thể nói đây là hướng đi đúng và thuận lợi mà đơn vị nên tiếp tục phát huy trong thời gian tới, và vấn đề phối hợp cần tăng cường mở rộng ra ở các Bảo tàng trong và ngoài hệ thống.

Thực hiện mục đích tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên truyền về tấm gương đạo đức trong sáng của Người; với yêu cầu đảm bảo tính khoa học, chính xác và mang tính giáo dục cao khi tổ chức các triển lãm chuyên đề; kết quả phản hồi tích cực từ các đối tượng khách tham quan, của giới nghiên cứu, của các cấp lãnh đạo thời gian qua giúp khẳng định rằng, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã chọn đúng hướng đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đạt hiệu quả cao. Thành công bước đầu được ghi nhận là niềm động viên để đội ngũ cán bộ Bảo tàng càng quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác trưng bày, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đặng Thị Tư Hiền
HTKH "Đổi mới trưng bày Bảo tàng và Di tích trong giai đoạn hiện nay" 11/2018