Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Đổi mới trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
11/11/2022
Đọc bài viết:
Đổi mới trưng bày được coi là giải pháp sống còn của các bảo tàng trong việc phát huy giá trị phục vụ nghiên cứu, giáo dục, thưởng thức, đặc biệt gắn với phát triển triển du lịch. Một hệ thống trưng bày thành công, hấp dẫn, được công chúng đón nhận đồng thời phải đáp ứng được nhiều yêu cầu về giá trị khoa học, lịch sử, thẩm mỹ và phải phù hợp với nhu cầu thưởng lãm của đối tượng công chúng mà nội dung trưng bày muốn hướng đến.

Với kinh nghiệm làm công tác trưng bày nhiều năm và phải đối diện với những thách thức trong việc thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận, xu hướng mới trong tổ chức trưng bày; thông qua những phân tích, đánh giá về phương pháp trưng bày nói chung, từ thực tiễn trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nói riêng, đưa ra những ý kiến về hướng tiếp cận nhằm đổi mới trưng bày trong giai đoạn hiện nay.

1. Tiếp cận và áp dụng các phương pháp tổ chức trưng bày là bước mở đầu cho hành trình đổi mới trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Câu chuyện về đổi mới trưng bày bảo tàng không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập tới từ lâu và đặc biệt là những năm gần đây trở nên cấp thiết hơn. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Bảo tàng Hồ Chí Minh được các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ đã có một hệ thống trưng bày hiện đại bậc nhất Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở đầu cho xu hướng trưng bày với hướng tiếp cận và giải pháp trưng bày mới, tạo ra một không gian trưng bày sinh động, không phải kiểu trưng bày minh họa cho lịch sử mà hiện vật bước ra từ lịch sử và kể câu chuyện của mình làm cho lịch sử, văn hóa, con người đến với công chúng một cách chân thực nhất. Sau đó là các bảo tàng quốc gia như: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… từng bước trăn trở, đổi mới mình để trở thành những bảo tàng thu hút khách hàng đầu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc đổi mới trưng bày ở các bảo tàng quốc gia trở nên mạnh mẽ, và từng bước thu được hiệu quả thì ở các bảo tàng ở cấp tỉnh vì nhiều lý do vẫn chậm đổi mới, chưa thu hút nhiều khách tham quan. Khi đi tìm nguyên nhân cho sự vắng khách ở các bảo tàng, ngoài các nguyên nhân như công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa chủ động tiếp cận khách tham quan thì nguyên nhân mấu chốt vẫn là công tác trưng bày bảo tàng, đó là sự đơn điệu, giống nhau về thủ pháp nghệ thuật, về nội dung lịch sử, thiếu vắng các thiết bị hỗ trợ thông tin, và ở đâu đó sự xuống cấp của hệ thống trưng bày vì không đủ kinh phí để bảo dưỡng.

Đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, một Bảo tàng thành lập từ năm 1980, xây dựng lại năm 2000, và qua đã trải qua nhiều lần chỉnh lý nội dung trưng bày. Đây là nơi trưng bày 08 chủ đề về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật hai nội dung chủ yếu: “Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế"; “Thừa Thiên Huế với Bác Hồ và Bác Hồ với Thừa Thiên Huế”. Hệ thống trưng bày giới thiệu gần 1.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu các loại, được phân bổ trên diện tích sàn trưng bày 600m2. Sau khi chỉnh lý năm 2016, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã áp dụng một số giải pháp đổi mới trưng bày như: hệ thống thông tin cho các tư liệu, hiện vật (bản text truyện kể, giới thiệu), tăng cường các hiện vật gốc trong trưng bày; thiết kế màu sắc đai, hình ảnh được đổi mới, trang thiết bị được bổ sung như ti vi LCD, âm thanh ở các tổ hợp, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật. Tuy nhiên, Bảo tàng vẫn chưa thực sự đổi mới trưng bày một cách toàn diện, sâu sắc. Hệ thống trưng bày vẫn theo quan điểm truyền thống, cơ bản dựa vào ý chí của người làm bảo tàng, khi trưng bày vẫn chủ yếu dựa theo biên niên thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương. Để từng bước tiếp cận với các phương pháp trưng bày mới, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt đổi mới bắt đầu từ việc xây dựng các trưng bày chuyên đề hàng năm tại phòng trưng bày chuyên đề (có diện tích trưng bày bằng 2/3 diện tích trưng bày cố định). Là một bảo tàng lịch sử xã hội - lưu niệm danh nhân, vì vậy, lựa chọn phương pháp trưng bày nào để làm nổi bật đặc trưng của bảo tàng là vấn đề được cân nhắc kỹ lưỡng, từng chuyên đề đặt ra với những yêu cầu về nội dung, mục tiêu, đối tượng công chúng. Trong nhiều phương pháp trưng bày được tiếp cận và khuyến khích sử dụng thì Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nghiên cứu sử dụng phương pháp bảo tàng học, kết hợp phương pháp trưng bày dựa vào cộng đồng; đề cao giá trị thẩm mỹ; sử dụng công nghệ để đạt được trưng bày mang tính giáo dục, tương tác cao.

Từ giai đoạn xây dựng ý tưởng, các phương pháp tổ chức trưng bày đã được xem xét, áp dụng. Bảo tàng đã cố gắng tránh những lối mòn cũ thường tiếp cận theo khoa học lịch sử, biên niên sự kiện, minh họa theo lối trực quan, trong tư duy trưng bày chưa rạch ròi giữa khoa học lịch sử và khoa học bảo tàng, chưa đặt tư liệu, hiện vật trong đời sống riêng của nó, thông tin trưng bày còn mờ nhạt; thiếu hụt vai trò của nhân chứng, của cộng đồng trong trưng bày… Lựa chọn phương pháp đúng sẽ giúp người làm trưng bày có tư duy khoa học trong tiếp cận, khai thác tư liệu hiện vật, nhân chứng nhằm hình thành nội dung, cấu trúc hợp lý từ cách đặt tên gọi trưng bày, phân chia mảng trưng bày, phân cấp nội dung thông tin, chọn lọc tư liệu, hiện vật, ý tưởng mỹ thuật…

Thông thường các chuyên đề trưng bày được thực hiện theo các bước:

- Lên ý tưởng nội dung; cấu trúc chính của trưng bày; ý tưởng thiết kế trưng bày;

- Khảo sát, lên danh mục tư liệu, hiện vật, chú thích, bài viết, phim, ghi âm…;

- Thiết kế không gian, đồ họa, ánh sáng;

- Tổ chức thi công, trưng bày hiện vật;

- Truyền thông cho trưng bày;

- Tổ chức giới thiệu cho công chúng, phát huy giá trị;

- Bảo dưỡng trưng bày trong quá trình phục vụ khách tham quan;

- Đánh giá trưng bày, rút kinh nghiệm.

Phương pháp trưng bày được lựa chọn sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành nội dung và tổ chức trưng bày.

Tuy nhiên, dù áp dụng phương pháp trưng bày nào, điều quan trọng là trình độ, kỹ năng của người làm trưng bày bảo tàng để tránh được những sai lầm:

- Nội dung trưng bày không chặt chẽ, dàn trải, không làm nổi bật nội dung chính, trọng tâm của trưng bày;

- Tiếng nói của cộng đồng hoặc quá mờ nhạt hoặc không nhất quán trong trưng bày;

- Có quá nhiều chữ trên các mảng trưng bày, điều này đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật xây dựng nội dung thông tin (các bản text), chú thích cho tư liệu, hiện vật cấu trúc: chặt chẽ, đầy đủ, ngắn gọn, thuyết phục.

- Ôm đồm quá nhiều hình ảnh, tư liệu hoặc chất lượng tư liệu, hình ảnh quá kém, không đạt hiệu quả trong thẩm mỹ trưng bày;

- Hiện vật trưng bày không được bảo quản tốt;

- Thiết kế mỹ thuật quá lòe loẹt, thái quá lấn át tư liệu, hiện vật chính;

- Phim tư liệu dài dòng, không trọng tâm.

- Áp dụng phương tiện công nghệ thông tin không hiệu quả;

- Thiếu không gian tương tác với khách tham quan.

Nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực thay đổi hình ảnh, đem đến những trưng bày hấp dẫn, hỗ trợ cho trưng bày cố định nhằm thu hút công chúng, đặc biệt là khách tham quan du lịch đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng đã triển khai nhiều chuyên đề theo cách tiếp cận mới để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem như "Tấm lòng và kỷ vật"; "Nghề thủ công truyền thống Huế với Bác Hồ"; "Câu chuyện đằng sau những kỷ vật"; “Sức sống người miền Tây Thừa Thiên Huế”; "Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người bạn châu Âu"; "Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và Nhân chứng"; "90 năm dưới lá cờ Đảng vẻ vang"….

Những chuyên đề trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn chỉ là sự sắp đặt của hình ảnh, tư liệu và hiện vật khô cứng mà qua đó vai trò, tiếng nói của cộng đồng làm cho những tư liệu, hiện vật trở nên gần gũi, nội dung trưng bày sâu hơn, phong phú hơn và sự tương tác cao hơn.

Vai trò, tiếng nói của cộng đồng đã được Bảo tàng khai thác ở các góc độ, tiếng nói của chủ nhân các hiện vật lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếng nói của các nhân chứng đã được gặp Bác Hồ, các sự kiện lịch sử gắn với nội dung trưng bày; ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về Hồ Chí Minh; khai thác những nhận thức, tình cảm của cộng đồng đối với vị lãnh tụ kính yêu; vai trò của những chủ nhân đại diện cho di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đồng thời, trong các phần trưng bày có nội dung kết nối với khách tham quan, tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp. Các trưng bày chuyên đề không còn là sản phẩm của riêng những người làm bảo tàng mà cộng đồng cũng tham gia đồng hành xây dựng nội dung trưng bày, tạo nên một trưng bày gần gũi, sinh động và đem lại hiệu quả giáo dục cao cũng như thu hút được đông đảo khách tham quan.

Một trong những trưng bày áp dụng phương pháp bảo tàng học kết hợp với phương pháp trưng bày dựa vào cộng đồng mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thực hiện là  "Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và Nhân chứng", về sự kiện 50 năm đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế mang họ Bác Hồ.

Trong quá trình khảo sát, Bảo tàng nhận thấy cộng đồng các dân tộc thiểu số mang họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế là một cộng đồng lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đồng bào rất mong muốn được giới thiệu về bản sắc dân tộc mình, đặc biệt là quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người qua đời (2/9/1969). Đây là một ý tưởng trưng bày tốt, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành các bước để xây dựng một trưng bày chuyên đề trong đó đề cao vai trò của cộng đồng trong xây dựng nội dung.

- Trên cơ sở khai thác tư liệu, hiện vật hiện có tại Bảo tàng, các câu chuyện kể về hiện vật được ghi chép, biên tập lại;

- Phỏng vấn các nhân chứng chứng kiến sự kiện đồng bào miền Tây Thừa Thiên Huế tình nguyện nhận họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của mình để lấy thông tin trưng bày;

- Tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu về sự kiện này;

- Phối hợp với cộng đồng phục dựng nghi lễ đặt tên họ Hồ để giới thiệu tại trưng bày;

- Ý tưởng thiết kế từ màu sắc đến các hình tượng nghệ thuật phản ánh đặc trưng của đồng bào các dân tộc;

- Tổ chức giao lưu nhân chứng trong Lễ khai mạc trưng bày.

Trưng bày truyền đi thông điệp bằng tiếng nói của cộng đồng đem đến cho người xem cảm nhận:

- Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người có sức cảm hóa diệu kỳ, là niềm tin, là hy vọng của quần chúng nhân dân, đặc biệt là nhân dân miền Tây Thừa Thiên Huế;

- Sự kiện mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 2/9/1969 trong đồng bào là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tình cảm tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu;

- Khẳng định sự bền vững của cộng đồng những người mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống hôm nay.

2. Một số giải pháp góp phần tổ chức một trưng bày thành công ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Trong thời gian tới, đứng trước những yêu cầu về chỉnh lý trưng bày, tổ chức nhiều chuyên đề trưng bày mới, những người làm công tác chuyên môn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực, bên cạnh việc lựa chọn phương pháp trưng bày phù hợp, còn phải đề ra các yêu cầu đối với các công tác chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng có hiệu quả công tác đổi mới trưng bày.

- Đổi mới phương pháp tiếp cận hiện vật

Trong xu hướng tổ chức trưng bày hiện nay, việc tiếp cận, khai thác thông tin tư liệu, hiện vật là vô cùng quan trọng. Tư liệu, hiện vật được tổ chức trưng bày chứa đựng thông tin lịch sử, văn hóa, xã hội giới thiệu với khách tham quan ở góc nhìn đa chiều, thông tin đặc sắc, phong phú… Chính vì vậy, tiếp cận, khai thác tư liệu, hiện vật đúng cách sẽ giúp người làm trưng bày có cơ sở phát triển ý tưởng trưng bày phù hợp.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có một quá trình nghiên cứu, sưu tầm lâu dài, hình thành nhiều bộ sưu tập hiện vật đặc sắc. Trên cơ sở các hiện vật gốc lưu tại kho cơ sở của các Bảo tàng để phát triển thành các ý tưởng trưng bày đặc trưng riêng có, vừa đảm bảo yêu cầu về trưng bày thân thế - sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa phát huy được các hiện vật gốc và các câu chuyện lịch sử của hiện vật để kể câu chuyện về danh nhân Hồ Chí Minh, không chỉ với biên niên sự kiện mà đề cao vai trò của chủ nhân hiện vật kể câu chuyện đậm chất nhân văn về nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước cũng như có sức lan tỏa tình cảm mãnh liệt trong nhân dân qua nhiều thế hệ.

Nghiên cứu về kho hiện vật ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chúng ta sẽ nhận thấy: Nhóm hiện vật gốc liên quan trực tiếp đến thân thế - sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng làm việc, bút tích gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh….) hầu như không có; nhưng ở Bảo tàng lại có rất nhiều nhóm hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, như nhóm hiện vật là quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời; nhóm hiện vật thể hiện tình cảm của nhân dân với Bác Hồ; nhóm hiện vật đồng thời về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhóm hiện vật gốc liên quan đến những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bộ sưu tập nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh; văn hóa phi vật thể: lời kể nhân chứng được gặp Bác Hồ; thơ ca, hò vè dân gian; lễ hội (nghi lễ phục dựng mang họ Hồ của đồng bào A Lưới)….

Xây dựng ý tưởng trưng bày từ các tư liệu, hiện vật gốc lưu tại bảo tàng chính là tạo được sức sống lâu bền cho trưng bày bảo tàng trong giai đoạn hiện nay.

- Đổi mới công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật

Trong quá trình tiếp cận tư liệu, hiện vật để phục vụ công tác trưng bày, hồ sơ khoa học của hiện vật trong kho cơ sở thường vấp phải vấn đề: Nhiều hiện vật trong lý lịch ghi chép sơ sài, không phản ánh đúng tầm vóc lịch sử, các câu chuyện lịch sử liên quan, quá trình di biến của hiện vật; hoặc có những hiện vật lý lịch được ghi chép mang nặng tính chủ quan của người đi sưu tầm, khiên cưỡng, đó là những điều bất lợi trong quá trình phát triển ý tưởng, xây dựng nội dung trưng bày.

Chính từ những bất cập đó, để phục vụ tốt cho công tác đổi mới trưng bày, ngay từ khi sưu tầm, các cán bộ sưu tầm phải xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và định hướng sưu tầm để tiến hành các bước tiếp cận, phỏng vấn, ghi chép, đối chứng; áp dụng các thiết bị công nghệ phục vụ cho công tác sưu tầm như quay phim, chụp ảnh, ghi âm; đảm bảo sự tỉ mỉ, chi tiết, trung thực trong lý lịch, hồ sơ của hiện vật.

Đồng thời, thông qua quá trình sưu tầm tư liệu hiện vật, các quan điểm, mong muốn của các cá nhân trong cộng đồng về một bảo tàng phục vụ công chúng cũng được ghi chép lại để phục vụ cho công tác trưng bày.

- Đổi mới trong thiết kế mỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày

Để bảo tàng thực sự đổi mới, khâu thiết kế, đồ họa, ứng dụng công nghệ phải được làm đồng bộ trong toàn tuyến trưng bày, với cách tiếp cận nội dung mới, lấy hiện vật và thông tin về hiện vật, liên kết với cộng đồng làm trung tâm, thiết kế trưng bày phải được thực hiện một cách khoa học, đảm bảo lợi ích của người xem (độ cao tủ, đai trưng bày vừa tầm, chữ chú thích rõ ràng, ánh sáng trưng bày đảm bảo quan sát tư liệu hiện vật, phục vụ cho cả người khuyết tật…). Ý tưởng trưng bày và chất lượng thẩm mỹ phải phù hợp với nội dung, dẫn dắt nội dung trưng bày, tôn vinh hiện vật, vừa định hướng thẩm mỹ cho người xem, phù hợp với văn hóa địa phương.

Trong thiết kế mỹ thuật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đặt ra các yêu cầu đổi mới:

- Kết hợp nhuần nhuyễn các hình thức nghệ thuật trưng bày Bảo tàng, để thổi hồn vào hiện vật làm cho nó như được sống lại trong thời khắc lịch sử mà nó đã trải qua.

- Tránh việc sử dụng các hình tượng mỹ thuật thay thế cho hiện vật trưng bày;

- Trên các diện, thể hiện ngôn ngữ trưng bày khoa học, hợp lý, chuyển tải thông điệp đến người xem mạch lạc, đi từ khái quát đến chi tiết, cung cấp thông tin phong phú, thuyết phục cho người xem.

- Màu sắc, biểu tượng dùng trong các thiết kế làm nổi bật văn hóa địa phương.

- Chất lượng các vật liệu dùng trong thiết kế trưng bày phải có độ bền, đẹp, dễ tạo hình mỹ thuật.

- Thiết kế không gian tương tác với khách tham quan.

Cùng với việc đổi mới trong thiết kế, đồ họa, nhu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày để hỗ trợ chuyển tải các thông điệp của bảo tàng đến với khách tham quan, tạo sự sinh động, hấp dẫn trong nội dung trưng bày ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết. Khách tham quan đến với Bảo tàng không chỉ xem và nghe về nội dung trưng bày mà bản thân họ muốn được khám phá, trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động của bảo tàng.

Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh có thể mô phỏng các hiện vật bằng phương pháp in 3D để khách tham quan có thể dễ dàng tiếp cận với hiện vật. Hay tạo không gian ảo để người xem tương tác với câu chuyện lịch sử: Tái tạo không gian ảo về quang cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. 1945; Tái hiện một lớp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Quốc Học những năm đầu thế kỷ XX….

Ngoài ra cần đầu tư các thiết bị công nghệ nhằm hỗ trợ thông tin cho khách tham quan như hệ thống hướng dẫn tham quan tự động, hệ thống thông tin bằng màn hình cảm ứng cung cấp đầy đủ thông tin cho khách tham quan về các tư liệu, hiện vật đang trưng bày qua tương tác với người dùng.

- Đổi mới trưng bày và yêu cầu đối với kinh phí đầu tư

Có thể nói, đổi mới trưng bày dưới góc độ nội dung, những người làm công tác bảo tàng có thể từng bước thực hiện được trên cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm, học hỏi và sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành…. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng đổi mới trưng bày vào thực tế đó là nguồn kinh phí đầu tư. Với nguồn kinh phí ngân sách quá ít trong khi đó yêu cầu về đổi mới lại đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ từ nội dung, mỹ thuật đến thiết bị. Hiện nay, để phục vụ đổi mới trưng bày có nhiều công nghệ hiện đại, thiết bị đạt chuẩn giá thành tương đối cao. Vì vậy, trước khi đặt ra yêu cầu đổi mới toàn bộ hệ thống trưng bày một cách toàn diện thì cần có sự đầu tư thích đáng và cũng nên đặt ra vấn đề phối hợp, liên kết khai thác với các doanh nghiệp khi đầu tư vào bảo tàng.

Tóm lại, làm thế nào để có một trưng bày thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố then chốt là lựa chọn được phương pháp trưng bày phù hợp với đặc trưng riêng của mỗi bảo tàng để tạo được thương hiệu, nét độc đáo, mang bản sắc của từng vùng miền, gần gũi với cảm nhận của người xem. Trưng bày chính là nơi hình ảnh của bảo tàng được xây dựng và củng cố, trưng bày thành công là yếu tố quan trọng để thu hút khách tham quan, tạo nên sức sống cho bảo tàng.

Nguyễn Hồng Hạnh
HTKH "40 năm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Dấu ấn những chặng đường - 2020