Có một lần Bác đến thăm và nói chuyện tại buổi lễ tổng kết lớp học chính trị của bộ đội. Vừa bước lên bục, Bác lấy ra một cuốn sổ nhỏ, rồi thong thả đọc rõ những số liệu mà Bác đã tìm hiểu được của nhà trường. Sau khi đọc xong, Bác hỏi:
- Các chú xem, ở đây chỉ có chừng này cán bộ mà đã lãng phí, tham ô như vậy. Thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân mà cũng phạm khuyết điểm như các chú thì thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân biết bao nhiêu?
Dừng lại một lát, như để cho mọi người suy nghĩ, Bác hỏi tiếp:
- Ở đây những chú nào có vợ rồi, giơ tay.
Có đến một nửa số học viên giơ tay. Bác lại hỏi tiếp:
- Những chú nào có con rồi?
Lần này có khoảng một phần ba giơ tay. Bỗng Bác chỉ một đồng chí cả hai lần đều giơ tay và nói:
- Bác hỏi thật chú, chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của vợ con chú không?
Đồng chí cán bộ nọ đứng lên cảm động thưa:
- Dạ, thưa Bác, không ạ!
Không khí hội trường lắng xuống. Bác nhìn cả lớp rồi nói, giọng không vui:
- Thế thì tại sao có một số cán bộ thấy tài sản của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ, hễ sểnh ra một chút là tìm cách đút túi.
Bác Hồ là tấm gương đạo đức trong sáng về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Cả cuộc đời Người vì nước vì dân. Người rất ghét những hành động tham ô, lãng phí, lấy của công làm của tư, dù đó là ai, ở cấp nào.
Hiện nay ở nước ta tham ô, lãng phí đã trở thành quốc nạn. Muốn chống nạn tham ô, lãng phí thì mỗi cán bộ đảng viên cần phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hành cần kiệm liêm chính. Sự tu dưỡng, rèn luyện này không phải chỉ trong một ngày, một tháng hay một năm, mà nó phải được tu dưỡng, rèn luyện trong suốt cả cuộc đời, có như vậy mới như "Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Và cũng chỉ như vậy mới, chúng ta mới có thể trả lời được câu hỏi của Bác "Thế thì lại sao có một số cán bộ thấy tài sản của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ, hễ sểnh ra một chút là tìm cách đút túi?" được.
Theo “Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, Hà nội 2006