Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm và trưng bày
26/09/2022
Đọc bài viết:
Tọa lạc ở trung tâm thành phố Huế, bên dòng Hương thơ mộng. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế như đóa sen hồng giữa trung tâm văn hóa, du lịch của miền Trung và cả nước. Là một thiết chế văn hóa quan trọng của Tỉnh, qua hơn 35 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt là đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trên địa bàn Tỉnh.
Tọa đàm khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Lịch sử và Nhân chứng". 2014
Tọa đàm khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Lịch sử và Nhân chứng". 2014

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trong thời kỳ đất nước bước vào hội nhập và phát triển, khẳng định vai trò và vị thế của mình, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã và đang ngày càng chú trọng hơn các hoạt động chuyên môn như: Công tác nghiên cứu khoa học, công tác sưu tầm và công tác trưng bày, vì  đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo  tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa thiên Huế với công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày và sưu tầm tư liệu, hiện vật

- Công tác nghiên cứu khoa học:

Là cơ quan nghiên cứu và giáo dục khoa học, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lên hàng đầu. Để đưa bảo tàng đến với công chúng,  thực hiện chức năng giáo dục khoa học, cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đầu tư nghiên cứu khai thác những giá trị của tài liệu, hiện vật để xây dựng các chương trình hoạt động nhằm đa dạng hóa các hoạt động của Bảo tàng, như: Xây dựng các bộ triển lãm chuyên đề, xây dựng tài liệu hình ảnh tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm  thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bằng hình  thức thi viết và sân khấu hóa); Tổ chức thi sáng tác ảnh nghệ thuật, thi vẽ tranh đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ chức thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong học sinh PTTH; Tổ chức các hội thảo khoa học; Xây dựng website; viết bài tuyên truyền; Xuất bản các ấn phẩm, tờ gấp giới thiệu Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Đặc biệt là nghiên cứu nội dung và giải pháp để thực hiện chỉnh lý trưng bày tại nhà Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghiên cứu lập hồ sơ khoa học các di tích và nghiên cứu lập hồ sơ dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao, đi vào chiều sâu và có sự đổi mới trong các hoạt động chuyên môn (cả việc ứng dụng công nghệ thông tin). Do vậy, đã đạt hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

- Công tác sưu tầm:

Tài liệu, hiện vật gốc chính là cốt lõi của bảo tàng. Một bảo tàng có nhiều tài liệu, hiện vật gốc thì sức hấp dẫn của bảo tàng càng lớn. Nếu như các hiện vật đơn lẻ đem lại những tri thức ban đầu, thì sưu tập hiện vật sẽ đem lại một khối lượng tri thức tổng quát hơn. Bảo tàng Hồ Chí Minh là bảo tàng về Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, để khách tham quan hiểu được sự nghiệp và tư tưởng của Người thì việc xây dựng những sưu tập hiện vật càng có ý nghĩa quan trọng. Những năm qua Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực trong công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật. Bên cạnh công tác sưu tầm của cán bộ Bảo tàng, đơn vị còn xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tổ chức phối hợp sưu tầm như phối hợp với khoa Lịch sử của trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học và khoa Xã hội Nhân văn, trường Đại học Phú Xuân Huế tổ chức cho sinh viên đi sưu tầm; vận động nhân dân, các nhà sưu tầm hiến tặng tài liệu, hiện vật về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do làm tốt công tác sưu tầm, hiện nay kho cơ sở của đơn vị đang lưu giữ và bảo quản hơn 15.000 tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật gốc quý giá, có hiện vật là độc bản, duy nhất. Nhiều bộ sưu tập hiện vật cũng được xây dựng như: Sưu tập tem, sưu tập tiền có hình ảnh Bác Hồ; Sưu tập băng để tang Chủ tịch Hồ Chí Mnh; Sưu tập những kỷ vật của Bác Hồ tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Thừa Thiên Huế…

- Công tác trưng bày:

Trưng bày là ngôn ngữ của Bảo tàng. Để làm tốt chức năng giáo dục cũng như phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của khách tham quan, Bảo tàng Hồ  chí Minh đã nghiên cứu chỉnh lý nội dung trưng bày tại tầng II Nhà bảo tàng: Bổ sung tổ hợp hiện vật về những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ bị thực dân Pháp quản thúc ở Huế; nhiều tài liệu và hiện vật gốc cũng được trưng bày bổ sung ở các chủ đề. Đặc biệt là giải pháp mỹ thuật và các điều kiện kỹ thuật hiện đại cũng được nghiên cứu để sử dụng hợp lý.

Các bộ triển lãm chuyên đề được nghiên cứu đổi mới và sáng tạo trong trưng bày, chú trọng xây dựng các tổ hợp không gian hình tượng để tạo điểm nhấn cho triển lãm và gây được sự hấp dẫn đối với khách tham quan. Các  bộ sưu tập hiện vật cũng được xây dựng và trưng bày trong triển lãm dưới nhiều hình thức khác nhau đã phát huy được giá trị lịch sử, tinh thần cũng như thẩm mỹ của hiện vật gốc. Đây chính là một hình thức kho mở để phát huy giá trị của các tài lệu, hiện vật gốc mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đang lưu giữ.

Sự liên kết tổ chức triển lãm giữa Bảo tàng Hồ Chí Mnh với các đơn vị bạn cũng được Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện và tổ chức thành công nhiều bộ triển lãm trong năm qua đã làm phong phú hoạt động của Bảo tàng và thu hút đông đảo khách đến tham quan: Phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, với Câu lạc bộ Tem Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm chuyên đề “Tấm lòng và kỷ vật”; Phối  hợp với Công ty PHP và chiếu bóng Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm chuyên đề “Hình ảnh, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Điện ảnh và sân khấu cách mạng Việt Nam” … Bên cạnh các bộ triển lãm tuyên truyền thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng còn phối hợp với các đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức nhiều triển lãm nhằm làm phong phú hoạt động tại Bảo tàng: Phối hợp với Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế tổ chức “Hội báo Xuân”; Phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm các tác phẩm nghệ thuật (hội họa và ảnh nghệ thuật) các tỉnh Bắc Trung bộ; Phối hợp với Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Hiệp hội Asaba (Nhật Bản) tổ chức triển lãm và chiếu phim nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản ...

Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, mới thấy rõ sự trưởng thành của đơn vị và sự tiến bộ của đội ngũ cán bộ, viên chức những năm gần đây là đáng trân trọng.

2. Một số kiến nghị

Song hành cùng với sự phát triển của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để hội nhập và phát triển, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ quan trọng là phát huy những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân và khách tham quan. Đây là vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi mỗi cán bộ bảo tàng mang tên Bác cần phải hết sức nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài việc thực hiện tốt các khâu hoạt động của bảo tàng, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn quản lý và phát huy giá trị của các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn.

Với mong muốn đơn vị sẽ trở thành hạt nhân trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai, xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

- Đơn vị cần động viên cán bộ tự trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi tác phong làm việc của cơ quan nghiên cứu và giáo dục khoa học. Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú,  tư tưởng của Người là kho tàng vô giá, cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh hơn ai hết phải là người hiểu rõ thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục mà đơn vị đang đảm nhiệm.

- Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ bằng nhiều hình thức như tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo (cả chuyên môn và ngoại ngữ) và tổ chức tham quan học tập ở các bảo tàng, di tích …nhằm nâng cao kiến  thức toàn diện cho cán bộ.

Hiện nay Bảo tàng đang có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo cơ bản, có trình độ đại học và cao học. Nhưng lại thiếu chuyên môn về Bảo tàng học và chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Do vậy việc đào tạo cán bộ giỏi về chuyên môn, có kiến thức chuyên sâu là việc làm cần thiết.

- Cần phải đầu tư trang bị lại cơ sở vật chất phục vụ trưng bày triển lãm chuyên đề như pano cho triển lãm lưu động, và các tủ kính trưng bày hiện vật. Thời đại hiện nay các phương tiện thông tin được phổ cập và trình độ thẩm mỹ của công chúng cao, do vậy đầu tư cơ sở vật chất vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, vừa đạt yêu cầu mỹ thuật là việc cần  thiết để thực hiện tốt việc đổi mới trưng bày, nhằm thu hút khách đến  tham quan.

 Trưng bày Bảo tàng cần phải đảm bảo tính hiện đại, nhưng phải khoa học và đạt yêu cầu thẩm mỹ; phải kết hợp được các yếu tố địa phương trong kiến trúc và nội dung trưng bày, vì đây là Bảo tàng lưu niệm danh nhân, đạt yêu cầu vừa dân tộc vừa hiện đại, phát huy tốt hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Lê Thị Thanh Hương