Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Tìm hiểu về nguồn gốc và phong cách ngoại giao trong Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đọc bài viết:
Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao kiệt xuất, là người sáng lập nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Hồ Chủ tịch đã từng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa trong giai đoạn 1945 – 1946. Khi Cách mạng Việt Nam vừa thành công đã phải đương đầu, đối phó với thù trong giặc ngoài, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử ngoại giao dân tộc ta. Với kinh nghiệm hoạt động quốc tế vô cùng phong phú của mình, cũng như những cương vị mà Người đảm nhận trong nước, Hồ Chí Minh đã có điều kiện tiếp cận thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới, phát triển và đề xuất nhiều nguyên lý, quan điểm, luận điểm về thời đại và về đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại và quan hệ ngoại giao Việt Nam.

1. Nguồn gốc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trên nền tảng ấy với những phẩm chất và trí tuệ được hình thành từ thời thơ ấu, tôi luyện trong quá trình lao động, học tập, tranh đấu qua các chặng đường cứu nước và hoạt động cách mạng đã hình thành nhân cách ngoại giao - văn hóa Hồ Chí Minh. Các tố chất căn bản đó được phát huy cao độ nhờ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần thế giới quan và phương pháp luận Mac-xit.

1.1. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Trải qua hàng ngàn năm, người Việt Nam luôn kiên cường bám trụ, đương đầu một cách dũng cảm và thông minh trước thiên tai và địch họa. Do vậy lòng yêu nước là tinh hoa kết tinh ngàn đời của dân tộc, là niềm tự hào thiêng liêng của bao thế hệ người dân.

Yêu nước, yêu tổ quốc mình, đã trở thành một chủ nghĩa, thành một tiêu chí hàng đầu của con người Việt Nam. Yêu nước là một hằng số bất biến của cả dân tộc trong bất kỳ điều kiện lịch sử nào, vậy nên chúng ta có quyền tự hào về truyền thống tốt đẹp đó.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã sinh ra nhiều anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…Và cũng chỉ có chủ nghĩa yêu nước mới có những hành động yêu nước như “Sát thát”, “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”, “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Và cũng chính chủ nghĩa yêu nước, dòng máu yêu nước luôn sôi sục chảy trong trái tim yêu nước mới có cậu bé anh hùng Trần Quốc Toản tay bóp nát quả cam, quyết tâm “phá cường địch báo hoàng ân”, mới có chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi ra phương Tây xa xôi tìm đường cứu nước khi mới 21 tuổi.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành bảo bối, trở thành thứ vũ khí hữu hiệu nhất chống kẻ thù. Chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam đã trở thành chủ nghĩa anh hùng, “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn nó vượt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nố nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ lòng yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Các vị ấy là tiêu biểu cho một dân tộc anh hùng.”[1]

1.2. Truyền thống văn hóa Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời và phát triển qua nhiều thời kỳ. Tổ tiên các dân tộc Việt Nam đã đóng góp vào thành tựu chung của Đông Nam Á, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Người Việt Nam đối xử với nhau bằng tình cảm, coi trọng hòa hiếu, lẽ phải “một trăm cái lí không bằng một tí cái tình”. Trải qua công cuộc dựng nước và giữ nước gian khổ nên người Việt coi trọng độc lập tự chủ, đề cao tinh thần nhân nghĩa.

Do hoàn cảnh kinh tế xã hội chi phối nên tính cộng đồng dân tộc sâu rộng, mang tính đặc thù trở thành sức mạnh dân tộc.

Văn hóa Việt Nam - văn hóa của một nước nhỏ và nghèo lại thuần nông nên làng xã có tính cố kết cao, lại mang tính khiêm tốn giản dị và hài hòa. Là một quốc gia đa dân tộc, người Kinh lại chiếm đa số nên tinh thần đoàn kết và thống nhất được đề cao, sống đùm bọc yêu thương giúp đỡ nhau. Đặc biệt người Việt sống hòa quyện, gắn bó với thiên nhiên như là hai thực thể không thể tách rời nhau, đất nước này dựa vào thiên nhiên để sống, sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nhân cách văn hóa cũng như ứng xử của Người trong các môi trường quốc tế hết sức đa dạng đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về nên văn hóa và nhân dân Việt Nam.

Nhà báo Liên Xô Ôxip Manđenxtam đã nhận xét “…từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải là văn hóa Âu châu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”2.

1.3. Truyền thống ngoại giao Việt Nam

 Nền ngoại giao truyền thống Việt Nam là nền ngoại giao có bản sắc, có nguồn gốc xuất xứ từ bản sắc dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời là hoạt động giao lưu quốc tế của tổ tiên với các nước láng giềng, của quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc và phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, phát triển quốc gia dân tộc.

Nhân dân Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Yêu chuộng hòa bình là bản chất của ngoại giao Việt Nam. Kiên trì lập trường giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chống lại ngoại giao xâm lược của đối phương. Việt Nam qua các thời kì lịch sử luôn duy trì kiên định đường lối hòa bình trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.

Hòa hiếu là tư tưởng cốt lõi trong đường lối ngoại giao của dân tộc. Phan Huy Chú đã nhấn mạnh rằng “trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”. Cùng với thắng lợi trên mặt trận quân sự, việc thực hiện nhất quán tư tưởng hòa hiếu góp phần quan trọng vào việc làm cho đất nước chúng ta tránh được những cuộc chiến tranh xâm lăng từ phương Bắc và phương Nam, giữ gìn và phát triển cương vực lãnh thổ quốc gia.

Ngoại giao Việt Nam thấm nhuần tinh thần nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn. Tuy là nạn nhân trong các cuộc xâm lược, nhưng người Việt Nam lại giàu lòng nhân ái, khoan dung đối với kẻ địch. Điều này có cội nguồn từ tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc đồng thời cũng xuất phát từ tầm nhìn sâu xa trong quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới. Trần Hưng Đạo chỉ rõ: “hòa mục có công hiệu lớn cho việc trị an. Hòa ở trong nước thì ít dùng binh, hòa ở bên ngoài thì không sợ bạo động”, “hòa mục là một đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh, không bao giờ đổi được”3.

“Trong đế ngoài vương” là đặc trưng nổi bật của ngoại giao Việt Nam. Đó là sự nhún nhường để giữ độc lập. Khi có giặc thì kiên quyết đánh trả với tinh thần quyết thắng cao nhất nhưng khi hòa bình thì nhún nhường và giữ hòa khí với nước lớn. Trong lịch sử ngoại giao dân tộc thì tinh thần tự tôn dân tộc luôn được giữ trọn, người làm công tác ngoại giao không vì vị thế nước nhỏ mà đánh mất lòng tự tôn đó được. Dù trong hoàn cảnh nào phải giữ được khí tiết anh hùng của cha ông ngàn đời gây dựng.

1.4 Tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa phương Đông và phương Tây

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa đặc sắc lâu đời, là sản phẩm của cư dân bản địa, tuy nhiên chúng ta cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ và lâu dài bởi hai nền văn hóa lớn đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Điều đó đem lại cho chúng ta một nền văn hóa có chọn lọc rất đa dạng và vô cùng phong phú.

Trong cuộc đời hoạt đông của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu các tư tưởng học thuyết chính trị, xã hội và văn hóa thế giới.

Từ phương Đông đó là Nho giáo, Phật giáo…, là cách mạng Trung Quốc,      Ấn Độ, từ phương Tây đó là tư tưởng bao dung của Giesu, là tư tưởng nhân văn dân chủ thời kỳ Phục hưng, phong trào Khai sáng, là các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Mỹ…

Với mỗi chủ thuyết tư tưởng, trường phái chính trị, Nguyễn Ái Quốc chấp nhận những kiến giải phù hợp với tâm thức văn hóa Việt Nam, lựa chọn những yếu tố tích cực làm giàu thêm kiến thức và tư tưởng của mình.

1.5. Chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Chủ nghĩa Mác - Lênin đến với người chẳng khác nào như người đi đường đang khát thì gặp nước uống, đang đói thì gặp cơm ăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi chủ nghĩa Mác - Lênin như cái cẩm nang thần kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và chịu tác động, ảnh hưởng của cả ba khía cạnh giai cấp, dân tộc và thời đại. Điều đó có nghĩa là cả ba vấn đề này đã được        Hồ Chí Minh tiếp thu sâu sắc và vận dụng sáng tạo vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong đó nội dung giải quyết các vấn đề về quan hệ quốc tế là rất quan trọng.

Nhìn vào thực tiễn Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng ra đời (1930), trải qua nhiều thời kỳ cách mạng khác nhau với những mục tiêu, nhiệm vụ và điều kiện lịch sử khác nhau, đường lối quốc tế và quan hệ ngoại giao đã thể hiện sức sáng tạo và kiện định với các nguyên tắc chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự tiếp thu đầy sáng tạo các nguyên tắc, nguyên lí của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc giải quyết các vấn đề mang tính thời đại quốc tế nói chung và mối quan hệ giữa Việt Nam và thế giới nói riêng.

Thông qua chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tiếp thu phương pháp luận Macxit, trước hết là chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng của triết học mà Lênin xem là “công cụ nhận thức vĩ đại”. Người nhấn mạnh việc vận dụng lí luận và thực tiễn của cách mạng thế giới một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. “Thống nhất giữa lí luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”; “phải học tập tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế  trong đó có công tác cách mạng”.

1.6. Phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh

Những yếu tố trên là cơ sở khách quan, còn yếu tố này là nhân tố chủ quan để hình thành nên tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng bởi thực tế chỉ ra rằng điều kiện có thể giống nhau, nhưng kết quả về nhận thức, về hoạt động sẽ không giống nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng kiên cường, luôn kiên quyết bảo vệ lý tưởng đã được xác định, trung thành tuyệt đối với con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phẩm chất này đã tạo nên sự vững vàng chắc chắn và nhất quán về nguyên tắc đối ngoại, về chiến lược ngoại giao Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tình cảm quốc tế trong sáng, đây được xem là một trong những phẩm chất tiêu biểu nhất của Người. Bao giờ Hồ Chí Minh cũng đặt con người vào trung tâm để giải quyết các vấn đề quốc tế, mà con người ở đây là con người có chung khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và hòa bình thế giới. Con người đó không bị phân biệt bởi màu da, sắc tộc, giàu nghèo, tôn giáo hay trình độ phát triển văn minh. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nhìn thấy ở Hồ Chí Minh “một ngày mai bình yên phẳng lặng, một thế giới đại đồng”

Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự xuất sắc và linh hoạt trong giải quyết tình huống và nhạy bén trong phương pháp ứng xử, điều này là xương sống, là cốt lõi trong nghệ thuật ứng xử Hồ Chí Minh - Nhờ vậy đã tạo ra một phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh chính là sự chủ động, lịch lãm và cực kỳ văn hóa. Tiếp xúc với Hồ Chí Minh dù là lần đầu hay các lần tiếp sau đều nhận thấy ở Người một sức hút lạ kỳ, chỉ sau cái bắt tay và vài lời thăm hỏi thì những cảm giác ngỡ ngàng, xa lạ đã biến mất chỉ còn lại sự gần gũi, nồng ấm và rất thân tình.

2. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt và phong cách ứng xử trong đối ngoại. Tư tưởng chỉ đạo hành động, còn phong cách ngoại giao nhằm biến tư tưởng, đường lối chính sách đối ngoại thành hiện thực và hiệu quả.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”5. Phong cách trong hoạt động ngoại giao thể hiện cả đạo đức và nhân cách văn hóa của Hồ Chí Minh, trong đó sự kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại, văn hóa của phương Đông và phương Tây. Nhà nghiên cứu Đavit Hanbớcxtam đã nhận xét: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kì lạ của thời đại này - hơi giống Gandhi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam”6.

Xanvađo Angienđê - chính khách quốc tế cuối cùng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh,   sau này là Tổng thống Chilê, khi được nhà báo hỏi “Ba phẩm chất của các nhà hoạt động chính trị mà ông muốn có là thế nào?”, đã trả lời: “Nhất quán, nhân đạo, khiêm tốn cao cả của Hồ Chí Minh”. Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi gọi Hồ Chí Minh “là một nhà lãnh đạo mềm dẻo mà vĩ đại và kiên định”7.

2.1. Phong cách tư duy chủ động và sáng tạo

Phong cách này được hình thành từ sự giao thoa của ba yếu tố: Trí tuệ minh triết, sự nhạy cảm chính trị và sự kiên trung; chính vì vậy mà có tầm nhìn vượt trước rất xa. Sự phát triển của phong cách tư duy Hồ Chí Minh xuất phát từ nhu cầu giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội Việt Nam. Người đến với các nước khác bằng hoạt động thực tiễn cách mạng và học hỏi không ngừng, thông qua đó để đúc kết lý luận và phương pháp để nhận thức và đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam,         xây dựng đường lối và chính sách ngoại giao cho dân tộc.

Độc lập và sáng tạo trong tư duy có quan hệ tác động lẫn nhau và là đặc trưng cơ bản của tư duy biện chứng khoa học. Tư duy độc lập là tiền đề cho sáng tạo. Hồ Chí Minh luôn vươn tới cái mới trên tinh thần đổi mới tư duy. Tính sáng tạo trong tư duy bổ sung, hỗ trợ, làm tăng năng lực và hiệu quả tư duy độc lập.

Tinh thần độc lập và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động ngoại giao thể hiện ở tính chủ động và tự quyết trong việc xác định đúng vị trí, lợi ích, vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, xác định đúng thời cơ và thách thức, để từ đó hoạch định chính sách đối ngoại phù hợp, phục vụ chính đáng cho lợi ích dân tộc. Người căn dặn “chớ đem chủ quan của mình thay thế cho thực tế”, phải có quan điểm toàn diện “nhìn cho rộng suy cho kỹ”.

2.2. Phong cách ứng xử linh hoạt

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh hình thành trong cuộc đời hoạt động cách mạng, phản ánh trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của Người. Đó là phong cách ứng xử văn hóa, kết hợp hài hòa giữa các giá trị dân tộc và quốc tế. Phong cách ấy tiêu biểu cho văn hóa ứng xử Việt Nam. Trong phong cách giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch      Hồ Chí Minh chúng ta nhận thấy:

Một là, trong giao tiếp ứng xử, tiếp xúc với mọi lớp người ở các cương vị và thuộc các dân tộc khác nhau, Người làm cho mọi người thấy gần gũi, thân tình và họ thường bị thuyết phục không chỉ bởi nội dung, ngôn ngữ mà còn do thái độ bình dị chân thành.

Hai là, trong giao tiếp đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tôn trọng, tinh tế và lịch lãm. Bác ứng xử rất nhanh nhạy nhưng cẩn trọng, không chút pha trộn với xã giao hình thức bên ngoài.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ chức vụ cao thấp trong nghi thức ngoại giao mà luôn linh hoạt và hết sức chú trọng đến mục tiêu và hiệu quả công tác. Người rất nhanh chóng cảm thụ và nhận biết được văn hóa tâm lý hay sở thích, ý định của người đối thoại để lựa chọn một cách nói thích hợp. Dù người đối thoại là chính khách, nhà báo hay người dân bình thường thì bao giờ Người cũng dùng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu. Đôi lúc Người cũng diễn đạt một cách hài hước ví von nhưng vẫn giử được sự tinh tế sâu sắc để người nghe dễ cảm nhận.

2.3. Phong cách nói giản dị, dễ cảm hóa và thuyết phục

Phong cách nói và diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những đặc điểm:

Một là, trong giao tiếp, Bác luôn tìm điểm tương đồng về ý tưởng, về tâm hồn và văn hóa. Người thường dùng lý lẽ tự nhiên song đầy tính thuyết phục để khơi dậy tình cảm nhân văn của người đối thoại, thuyết phục họ chấp nhận lẽ phải.

Hai là, trong lúc trả lời phỏng vấn những câu hỏi phức tạp, với vốn tri thức sâu rộng cùng sự nhạy bén chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng những từ ngữ, lý lẽ ngắn gọn, xác đáng, nhiều khi nêu câu hỏi thay cho câu trả lời.

Ba là, trong bầu không khí thân tình với bạn bè, đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường bày tỏ tình cảm hữu nghị thắm thiết và chân tình bằng thơ:

“Nhớ nhung trong lúc chia tay

Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người

Người về Tổ quốc xa khơi

Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an”8

Tại buổi lễ tiễn Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ ngày 16/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết thúc bài phát biểu bằng thơ:

“Tiễn đưa, chẳng muốn chia tay

Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng

Cầm tay lòng lại dặn lòng:

Cùng nhau giương ngọn cờ hồng Mác - Lê”9

2.4. Phong cách viết ngắn gọn, hàm súc, dễ hiểu

Chủ tịch Hồ Chí Minh có biệt tài viết ngắn gọn, súc tích, giản dị và chặt chẽ. Người đã rèn luyện được cách viết ấy một cách nghiêm khắc và công phu bắt đầu từ những năm tháng viết báo ở Pháp. Sau này, khi viết, đặc biệt là viết ngắn, Bác nêu nguyên tắc: “Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Cách viết như thế nào?...muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”.

Đặc trưng trong cách viết về ngoại giao của chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung rõ ràng, cụ thể phù hợp với từng đối tượng và luôn hướng tới mục tiêu chung của cách mạng.

Một là, trong các văn điện đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày hết sức ngắn gọn theo một trình tự lôgich rõ ràng, mạch lạc, những lý lẽ hiển nhiên và những chứng cứ khách quan, cụ thể, luôn lồng vào một cách tinh tế lời kêu gọi hành động đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp chính đáng của nhân dân Việt Nam. Tính hành động là đặc trưng cơ bản trong phong cách viết đối ngoại của Hồ Chí Minh.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường dùng những hình ảnh ví von thay các khái niệm khi viết về các vấn đề quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dùng cách viết châm biếm, hài hước rất sắc bén.

Ba là, với những trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất đanh thép. Trong lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” ngày 17/7/1966, Người nhấn mạnh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng, và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”10

Bốn là, Hồ Chí Minh luôn dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong bức điện gửi Chủ tịch Quốc hội Indonexia Xactono ngày 7/8/1957, Bác viết “Tôi rất sung sướng được biết tin Ngài đến thăm đất nước Việt Nam chúng tôi. Tôi xin tỏ lòng nhiệt liệt hoan nghênh Ngài. Tôi chắc rằng việc Ngài đến thăm Việt Nam sẽ tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Indonexia. Tôi chúc Ngài mạnh khỏe”11.

3. Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nói riêng là tài sản quý báu, là kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng chính sách đối ngoại, đường lối ngoại giao phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, phụng sự nhân dân và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các dân tộc khác trên thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và sự phát triển phồn vinh của các dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, mong muốn xây đắp và củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các dân tộc trên thế giới.

Thời gian gần đây, tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới đã có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường có thể gây phương hại đến an ninh chính trị quốc gia, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có chính sách đúng đắn để ứng phó với sự đổi thay của thời cuộc. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” phá hoại sự ổn định về chính trị - xã hội nhằm lật đổ và thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng ở nước ta. Bên cạnh đó, tình hình biển Đông đang ngày càng “nóng” và đang trở thành mối lo ngại chung không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên bình diện toàn cầu. Trên thế giới cũng đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt như khủng hoảng ở các nước Trung Đông, Bắc Phi kéo dài và lan nhanh ra khu vực và quốc tế, vấn đề hạt nhân, tranh chấp lãnh thổ, gia tăng khủng bố đang làm cho thế giới ngày càng ý thức xích lại gần nhau để tìm chung một giải pháp phù hợp nhất. Song song với những bất ổn về chính trị xã hội thì cuộc khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế đang xảy ra trên toàn thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sách lược phát triển của mỗi nước.

Vì vậy, ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay, phải tương xứng với với tầm vóc văn hóa, lịch sử, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước, với những đóng góp của dân tộc ta cho sự nghiệp chung của nhân dân thế giới. Ngoại giao phải là mặt trận đi đầu trong việc đưa hình ảnh đất nước - con người Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao vai trò và vị thế Việt Nam trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế và an ninh khu vực và trên thế giới.

Ngoại giao Việt Nam phải luôn phấn đấu không ngừng để xứng đáng là đại diện cho đất nước trên trường quốc tế, đồng thời phải góp phần gìn giữ và vun đắp cho tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới đối với đất nước và con người Việt Nam, nêu cao và phát huy tình đoàn kết quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao để thực hiện thành công nhiệm vụ ngoại giao trong thời gian tới, người làm công tác ngoại giao phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực, phẩm chất, kiên định lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, học tập và vận dụng phương pháp, phong cách ngoại giao, ứng xử văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì sức sống, tinh hoa và bản sắc văn hóa Việt Nam được vận dụng và thể hiện trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành sức mạnh của ngoại giao Việt Nam - sức mạnh Việt Nam - sức mạnh thời đại Hồ Chí Minh.

__________________________

Chú thích:

1. Nguyễn Di Niên (2008)Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 47

2. Nguyễn Di Niên (2008)Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 56

3. Nguyễn Di Niên (2008)Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 59

4. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 61

5. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh,tr 241

6.  Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 242

7. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 248

8. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 257

9. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 257

10. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 261, 262

11. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr 263

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Di Niên (2008) Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

2. Vũ Dương Huân (2006) Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao.

3. Đỗ Đức Hinh (2007) Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại một số nội dung cơ bản.

4. Lê Văn Yên (1999) Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế.

5. Đặng Văn Thái (chủ biên) (2009) Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế và vận dụng trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

6. Nguyễn Bích Hạnh, Nguyễn Văn Khoan (2001) Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết và mặt trận dân tộc.

          7. Nguyễn Khắc Nho (2008) Hồ Chí Minh đỉnh cao Nhân Trí Dũng Việt Nam.

          8. Nhà xuất bản thông tấn (2006) Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế.

 

 

Lê Văn Cường
HTKH "Những khía cạnh triết học trong tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn"
Các bài khác
    << < 1 2 > >>