Di tích Địa điểm Toà Khâm sứ Trung kỳ ở tại số 32 đường Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế).
Toà Khâm sứ Trung kỳ (xây dựng hoàn thành vào tháng 7 năm 1878) là thủ phủ của chế độ thực dân tại Trung kỳ, chi phối toàn bộ hoạt động của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.
Tại đây, tháng 4 năm 1908, đã diễn ra cuộc biểu tình chống thuế của Nhân dân Thừa Thiên Huế. Cuộc biểu tình kéo dài từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 13 tháng 4 năm 1908, mà cao trào là ngày 11 tháng 4 năm 1908, khi nông dân 6 huyện trong tỉnh kéo về bao vây Toà Khâm sứ Trung kỳ đưa đơn đòi yêu sách. Phong trào chống thuế có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với mọi tầng lớp Nhân dân Huế thời bấy giờ. Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã cùng bạn bè tham gia vào đoàn biểu tình với tư cách là người phiên dịch. Đây chính là sự kiện đánh dấu sự chuyển biến từ ý thức yêu nước sang hành động yêu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Từ phong trào đấu tranh của Nhân dân, anh nhận rõ bản chất của kẻ thù khi chúng dùng bạo lực đàn áp cuộc biểu tình của Nhân dân, và anh cũng sớm nhận ra được sức mạnh đấu tranh của Nhân dân khi họ đã đoàn kết vùng lên… Từ đó quyết định ra đi tìm đường cứu nước.
Tòa Khâm sứ Trung kỳ đã đổ nát hoàn toàn vào năm 1945. Để ghi nhớ sự kiện Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào Chống thuế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã xây dựng biểu tượng đánh dấu sự kiện quan trọng diễn ra trong lịch sử, để mỗi lần qua đây nhìn địa điểm di tích này, lòng mỗi người không khỏi bồi hồi, như vẫn còn đây không khí sục sôi của cuộc đấu tranh đòi giảm sưu cao thuế nặng của nông dân Thừa Thiên Huế, và hình ảnh mảnh mai, gương mặt thông minh, ngời sáng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Di tích Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2233/QĐ-UBND ngày 28/9/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.