Tháng 5 năm 1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào kinh đô Huế nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ ở triều đình Huế. Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) cùng anh là Nguyễn Tất Đạt (tức Nguyễn Sinh Khiêm) được theo cha vào Huế sinh sống và học tập. Gia đình ông Phó bảng được triều đình cấp căn hộ thứ 19 trong khu “Thuộc viên”, hay còn gọi là “Dãy trại”, trên đường Đông Ba, nay là vị trí ngôi nhà số 49, đường Mai Thúc Loan.
Gian nhà trong khu “Thuộc viên” là nơi cha con cụ Phó bảng sống một cuộc sống thanh bạch, giản dị của một vị quan thanh liêm. Sống trong cảnh quan trường, cụ Phó bảng luôn suy ngẫm về vận nước, về nhân tình thế thái, về con đường cứu nước cứu dân. Cụ dạy dỗ các con hiểu thêm thực trạng xã hội Huế, nơi đầu não của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, và thực chất về sự bảo hộ của thực dân Pháp, kẻ luôn rêu rao về “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” lại chính là kẻ đang đè nén, áp bức Nhân dân. Cũng chính tại khu “Thuộc viên” (làng quan) này, Nguyễn Tất Thành hàng ngày tận mắt chứng kiến cuộc sống tối tăm, hèn nhược của đám quan trường nô lệ.
Thời gian sống tại đây (1906 - 1908), Nguyễn Tất Thành đã ở tuổi trưởng thành, cậu được cha đưa vào học Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Là học sinh xuất sắc, cậu được chọn thi vượt cấp vào trường Quốc học Huế và trúng tuyển. Đây là thời gian Nguyễn Tất Thành đã có bước chuyển biến về nhận thức và bắt đầu hoạt động yêu nước: Cậu hòa mình trong phong trào đấu tranh của Nhân dân kinh đô Huế với tất cả nhiệt tình yêu nước nung nấu bấy nay, hô hào các bạn “hợp quần”, “ái quốc” và chuyển cho các bạn chép bài ca ái quốc để tuyên truyền cho đồng bào. Đặc biệt, phong trào Chống thuế của nông dân miền Trung (1908), Nguyễn Tất thành đã tham gia với tư cách là thông ngôn (phiên dịch). Không khí chính trị sôi động ở kinh đô Huế cùng với nét đẹp trong văn hóa truyền thống Huế đã góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, hun đúc tư tưởng yêu nước và thúc đẩy ý chí ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Hiện nay di tích chỉ còn là địa điểm, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đặt ở đó tấm biển ghi lại dấu tích về gian nhà này.